Tiền Giang:

Hành trình "đi 4 về 4", có những lúc chỉ còn "thở hắt ra" của gia đình F0

Nguyễn Cường

(Dân trí) - "Có những khi vợ chồng không còn sức để nói với nhau nổi một câu, chỉ nhìn nhau rồi cùng cố gắng. Nhưng nhờ chăm sóc ân cần của các y, bác sĩ mà gia đình F0 chúng tôi đều khỏe mạnh về nhà".

Hành trình đi 4 về 4, có những lúc chỉ còn thở hắt ra của gia đình F0 - 1

Gia đình 4 thành viên đều là F0 được trở về khỏe mạnh

 4 thành viên gia đình chị Phạm Thùy Trang (39 tuổi, ngụ TP Mỹ Tho, Tiền Giang) không may đều mắc Covid-19 vào giữa tháng 7 năm 2021. Cùng phải vào bệnh viện dã chiến điều trị, có những lúc chị Trang đã sợ sẽ mất đi người chồng thương yêu, bản thân chị cũng có những khi chỉ thở hắt ra, kiệt sức.

Nhưng với sự cố gắng của các thành viên cùng sự chăm sóc ân cần, nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ, sau tròn 1 tháng điều trị, cả gia đình lại được sum họp như có phép màu.

Ký ức kinh hoàng

Đầu tháng 7, TP Mỹ Tho đang bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng, tuy nhiên do tính chất công việc, anh Huỳnh Thanh Phú (47 tuổi, chồng chị Trang) hàng ngày vẫn phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Ngày 14/7, anh Phú bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, và ho.

Do đã cẩn thận khi đi làm, các năm trước lại hay bị cúm mùa nên khi có triệu chứng anh Phú vẫn nghĩ mình không phải mắc Covid-19 và chỉ uống thuốc thông thường. Nhưng một ngày sau, chị Trang cũng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, cả gia đình lúc này đều bồn chồn, lo lắng.

Ngày 16/7, vợ chồng chị Trang đi xét nghiệm thì được xác định dương tính với SARS- CoV-2 hai đứa con của chị là Huỳnh Thanh Phúc (13 tuổi) và Huỳnh Bảo Ngọc (11 tuổi) cũng được xác định mắc Covid-19 ngay sau đó. Cả gia đình chỉ dọn vội mấy bộ quần áo rồi cùng nhau lên xe cứu thương vào khu cách ly tập trung.

Ngày 18/7, cả gia đình được đưa vào nhập viện điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 1 ở xã Long Định (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Do bị thừa cân kèm một số bệnh nền, sức khỏe của anh Phú chuyển biến xấu nhanh chóng nên tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện Lao - Bệnh phổi Tiền Giang là tuyến cuối điều trị Covid-19 cho bệnh nhân nặng và rất nặng.

Hành trình đi 4 về 4, có những lúc chỉ còn thở hắt ra của gia đình F0 - 2

Chị Trang cho biết lúc chồng chị bệnh nặng phải chuyển tuyến chị chỉ nói được một câu: "anh ráng về với mẹ con em nghe anh".

"Lúc đó anh ấy kiệt sức rồi, trên đường di chuyển còn ho ra máu đen. Lúc đó tôi sợ lắm, sợ chuyện chẳng lành. Khi đưa chồng ra xe cứu thương, tôi gồng lắm mà chỉ nói được một câu anh ráng về với mẹ con em nghe anh. Anh ấy cũng gắng gượng lắm mới nhìn mẹ con gật đầu một cái chứ không còn sức nữa, vợ chồng nhìn nhau cho đến khi cửa xe cứu thương đóng lại", chị Trang bùi ngùi kể lại.

Bản thân chị Trang cũng là bệnh nhân nặng, sau khi tiễn chồng quay vào phòng chị cũng kiệt sức, chỉ thở hắt ra. Suy nghĩ rồi khóc lúc nào không biết, hai đứa con thấy vậy cũng ôm lấy mẹ, ba mẹ con cùng khóc. May mắn Bảo Ngọc và Thanh Phúc không xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, là niềm an ủi cho ba mẹ cố gắng.

"Các bác sĩ tâm lý lắm, lúc nào được là bấm máy hộ cho anh ấy nói chuyện với mẹ con. Anh ấy ở một nơi, mẹ con ở một nơi, trong lòng lúc nào cũng rối và bồn chồn.

Cả ngày chỉ chờ chuông điện thoại reo chứ không dám gọi cho anh ấy vì sợ phiền bác sĩ. Những ngày đầu tiên anh ấy không nói được, vợ chồng nhìn nhau qua điện thoại rồi ngầm hiểu là cùng nhau cố gắng, ngày 2 lượt chỉ nhìn nhau mà không nói gì", chị Trang nhớ lại những ngày áp lực.

Điều trị hơn 15 ngày thì anh Phú mới được chỉ định dừng hỗ trợ máy thở, lúc này các chỉ số sinh tồn mới ổn định lại. Ngủ không ngon giấc, thức thì bồn chồn chờ từng phút, từng giây, thời gian hơn nửa tháng đó với cả gia đình chị Trang ước chừng dài bằng cả nửa đời người.

Cô bé cựu F0 vẽ tranh tặng Bệnh viện dã chiến và ước mơ được trở thành bác sĩ

Anh Phú kể, sau khi dừng thở ô xy, dù rất mệt mỏi, không muốn ăn uống gì nhưng phải tự động viên, cố gắng ăn để lấy sức. Ngày ngày anh đều cố gắng tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ.

"Thời gian nằm viện mình như người thực vật, có những khi nói cũng không nổi. Nhưng bác sĩ rất chu đáo, không nề hà gì, lại còn tâm lý. Rồi vợ con động viên, gia đình, bạn bè quan tâm. Mình phải giữ vững tinh thần, tự động viên, tự cố gắng để khỏi bệnh, để về với vợ con, để không phụ công, phụ lòng các y bác sĩ", anh Phú nói.

Hành trình đi 4 về 4, có những lúc chỉ còn thở hắt ra của gia đình F0 - 3

F0 "nhí" Huỳnh Bảo Ngọc (11 tuổi) vẽ tranh tặng bác sĩ.

Là người nguy kịch nhất nhưng anh Phú lại cũng là người được xuất viện sớm nhất cả nhà. Anh được xuất viện về nhà cách ly vào ngày 12/8, ba ngày sau thì con gái Bảo Ngọc cũng được xuất viện. Đến ngày 18/8 thì chị Trang và con trai cũng được về nhà.

"Lúc biết chồng được xuất viện, tôi khóc òa lên vì sung sướng. Trải qua giây phút sinh tử nhưng cuối cùng gia đình vẫn được toàn vẹn, cảm xúc cứ như một giấc mơ vậy", chị Trang xúc động nhớ lại.

Không lời nào nói hết được lòng biết ơn

Từ khi chồng khỏe lại, chị Trang mới có tâm trạng để quan tâm những điều xung quanh. Lúc này chị mới nhận ra rằng có những khi quá trưa, quá tối rồi nhưng các bác sĩ vẫn chưa được ăn, vẫn không được nghỉ. Lúc này chị thấy những bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi ẩn sau bộ đồ bảo hộ, nhưng ai nấy vẫn niềm nở, vẫn vui cười, vẫn nhiệt tình khiến chị càng thêm cảm phục.

"Khi khỏe dần, tôi xin phụ giúp mọi người dọn dẹp để họ đỡ phần nào vất vả. Thế nhưng không ai cho tôi làm gì, ai cũng bảo chỉ cần thấy bệnh nhân khỏe là họ cũng khỏe rồi. Tôi không biết mặt bất kỳ ai, vì ai cũng đeo khẩu trang, nhưng tôi rất trân trọng tình cảm, sự cống hiến của mọi người, không lời nào nói hết được", chị Trang kể về sự tận tâm của các nhân viên y tế trong bệnh viện dã chiến.

Ngày được xuất viện, Bảo Ngọc đã kịp hoàn thành bức tranh vẽ hình một bác sĩ đang dang hai tay bảo vệ mọi người khỏi thần chết. Em âm thầm chuẩn bị món quà để tặng cho những người mà em gọi là thiên sứ, những người đã ân cần chăm sóc em như cha mẹ.

"Ngày trước con ước sẽ thành họa sĩ, nhưng bây giờ con muốn sau này sẽ thành một bác sĩ như các cô chú, để có thể giúp đỡ được cho mọi người", cô bé bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm