Hành hung bác sĩ kiểu giang hồ

Các vụ tai biến y khoa liên tục xảy ra kéo theo những vụ người nhà bệnh nhân hành hung y - bác sĩ. Đây là hành vi phạm pháp cần lên án. Vì sao tình trạng trên cứ diễn ra?

Trong ngành y tế, ai cũng hiểu tai biến y khoa là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng để xảy ra những tai biến sơ đẳng do trình độ là điều đáng trách… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng từng thừa nhận rằng những tai biến y khoa sơ đẳng là do sự thiếu sót của cán bộ ngành y tế và khẳng định: “Đây là vấn đề rất đau lòng, ngành y tế rất day dứt”. Tuy nhiên, điều đáng lo là gần đây xảy ra nhiều vụ người nhà bệnh nhân manh động đuổi đánh y - bác sĩ, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

 

Bác sĩ chết, người nhà bệnh nhân vào tù

 

Một trường hợp tai biến y khoa điển hình và  cũng rất thời sự là cái chết của bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi) tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 12/8/2013. Trong khi đang cố gắng cấp cứu thì các y - bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực bị nhiều người thân của bệnh nhân lao vào đánh tới tấp. Bác sĩ trưởng khoa bị đánh rách vùng trên mắt, một bác sĩ khác rách giác mạc, vỡ kính cận, hai y tá bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân còn đập vỡ máy sốc tim và toàn bộ kính phòng điều trị của khoa này. Theo thông tin mới nhất, ngày 6/9, ông Nguyễn Tiến Nam, Trưởng Công an TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra.

 

Hành hung bác sĩ kiểu giang hồ

Các bác sĩ bị áp lực rất lớn trong khi cấp cứu bệnh nhân (Ảnh chụp tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức)  

 

Trước đó hơn 1 tháng, đêm 20/6, kíp trực cấp cứu BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận anh Lê Đặng Vũ, 22 tuổi, bị tai nạn giao thông. Khi đang cấp cứu một thanh niên bị tai nạn, 2 y - bác sĩ đã bị người nhà của bệnh nhân dùng ghế đánh trọng thương. Trước khi ra tay, người này lớn tiếng yêu cầu bác sĩ phải “chữa trị tốt” cho nạn nhân và một trong số nhân viên can ngăn đã bị nhóm thanh niên dùng ghế đánh gãy tay.

 

Tháng 7/2012, một vụ đập phá các thiết bị, cơ sở y tế đã xảy ra ở BV Sản Nhi Cà Mau. Ngày 10/7/2012, sản phụ chuyển dạ nên được đưa vào BV Sản Nhi Cà Mau sinh con. Sau khi mổ bắt con, bụng sản phụ đau nhiều nhưng bác sĩ siêu âm không phát hiện bất thường. Một tuần sau, bệnh nhân tiếp tục đau bụng dữ dội, được gia đình đưa đến BV Đa khoa trung ương Cần Thơ cấp cứu. Sản phụ này tử vong chiều 28/7. Hai ngày sau, hơn 30 người thân của sản phụ kéo đến BV Sản Nhi Cà Mau đập phá và yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của người thân.

 

Tháng 4/2012, mẹ con sản phụ cùng tử vong tại BV Đa khoa tỉnh Hưng Yên, gia đình không chỉ rượt đánh mà xông vào tát bác sĩ vì bức xúc. Thấy tình thế hỗn loạn, các bác sĩ khoa sản buộc phải tạm lánh khỏi BV để chờ lực lượng công an đến can thiệp.

 

Hay như vụ người nhà bệnh nhân lao vào chửi bới, lăng mạ bác sĩ, đồng thời đạp thẳng vào bụng làm một nữ bác sĩ Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai (Hà Nội) bất tỉnh tại chỗ trong lúc bác sĩ này đang giải thích cho người nhà về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thậm chí, khi bác sĩ khác và nhân viên bảo vệ được tin chạy tới thì cũng bị người nhà đánh tới thâm tím mặt mũi, đe dọa tính mạng bác sĩ H. và buộc bác sĩ phải khám lại cho người nhà của mình.

 

Đau lòng nhất là vụ xảy ra tại BV Đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào giữa tháng 8/2011 khi người nhà bệnh nhân lao vào đâm chết bác sĩ Phạm Đức Giàu và làm bị thương nặng 1 bác sĩ khác vì cho rằng các bác sĩ đã chậm trễ trong việc cứu người thân của họ…

 

Vì sao bác sĩ bị tấn công?

 

Hành vi hành hung bác sĩ là trái pháp luật, trái đạo lý nhưng sau những phút bốc đồng, những người tổ chức hành hung bác sĩ đều biện minh rằng do bức xúc trước thái độ thờ ơ, thiếu trách của cán bộ ngành y. Họ cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người thân mình.

 

Bác sĩ H.B.H, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, một trong những nạn nhân của vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân - bức xúc: “Việc hành hung này tuy không gây ra những vết thương nặng về thể xác nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của các y - bác sĩ”.

 

Nhận định về việc bệnh nhân phản ứng bạo lực với bác sĩ, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, nói rằng không thể chấp nhận được việc người nhà bệnh nhân lao vào đánh thầy thuốc, hành xử kiểu giang hồ. Gần đây, có hàng loạt sự cố không mong muốn khiến ngành y bị công kích kịch liệt nhưng đừng vì một vài sự kiện mà đổ sông đổ bể công sức của ngành y. Vẫn còn hơn 400.000 bác sĩ, cán bộ y tế đang vật lộn từng ngày từng giờ cứu người bệnh. Nếu không có bác sĩ, biết bao người phải đối mặt với tử thần, chịu đựng biết bao nỗi đau đớn, khổ sở…

 

Tuy nhiên, cũng cần phải hướng dẫn, uốn nắn bác sĩ cả về chuyên môn lẫn giao tiếp, ứng xử. Việc bệnh nhân phản ứng tức tối với bác sĩ, kiện cáo BV là có nguyên nhân. Khi bệnh nhân vào viện thì phải tiên lượng trước cho người bệnh và người nhà bệnh nhân về bệnh tình của họ, hướng dẫn họ quy trình khám chữa bệnh rõ ràng, chia sẻ thắc mắc, lo lắng của họ. “Nếu khám xong cứ lừ lừ đi, không giải thích rõ ràng, đến khi người nhà của họ đột ngột tử vong thì đương nhiên họ vừa đau xót vừa sốc vừa nghi ngờ có khuất tất, sai sót”,GS-TS Việt cho biết.

 

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, nếu y - bác sĩ giải thích đầy đủ về bệnh tật cho bệnh nhân và người nhà, để họ hiểu, đồng cảm với bác sĩ, bình tĩnh đón nhận tin xấu hoặc hiểu những rủi ro của việc điều trị thì chắc chắn người dân sẽ không kiện cáo, không có các phản ứng xấu với bác sĩ.

 

Đừng để mất lòng tin

 

Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, nhìn nhận phản ứng tiêu cực của bệnh nhân là do hàng loạt các sự việc tiêu cực, tắc trách của ngành y xảy ra khiến lòng tin của bệnh nhân vào các y bác sĩ đã giảm sút nhiều. Khi có sai sót, ngành y tế cũng phản ứng một cách bị động, thiếu khoa học kiểu hở đâu vá đấy, sai đâu sửa đấy. Hơn nữa, các đánh giá cũng mang tính một chiều, không có bên thứ ba khách quan. Ngành y tế tự biên tự diễn, tự làm, tự phán, lại chỉ phán có lợi cho mình nên bệnh nhân càng không tin, do đó mới nảy sinh các phản ứng tiêu cực. Nếu ngành y còn tiếp tục thiếu cơ chế giám sát chất lượng độc lập thì người dân còn chịu thiệt. Đồng thời, cả hệ thống cũng bị vơ đũa cả nắm, đánh lận con đen giữa tốt và xấu.

 

Cần phải thay đổi cách thức điều tra và giải quyết các tai biến y khoa một cách khoa học để lấy lại lòng tin của người dân. Người dân cũng phó mặc hoàn toàn tính mạng của mình và người thân cho bác sĩ, chịu một khoản chi phí đắt đỏ, thậm chí vô lý nhưng vẫn bấm bụng trả song họ lại không có cách nào đánh giá được giá trị mà họ được hưởng có tương xứng, vì họ không có chuyên môn, cũng chẳng được bên thứ ba bảo vệ.

 

Làm sao hạn chế các tai biến sản khoa khi mà các BV quá tải, quy trình khám - chữa bệnh thiếu khoa học, trình độ bác sĩ một số nơi còn hạn chế, thiếu hiểu biết trong giao tiếp y khoa, việc chuyển viện lên tuyến trên khó khăn, các tiêu cực còn nhiều, cả vấn đề công - tư trong các BV công… là vấn đề mà Bộ Y tế và các bệnh viện phải giải quyết. Đặc biệt, cần có một quy trình chuẩn để giải quyết các vấn đề liên quan đến tai biến y khoa, để không bị động, công bằng, khoa học.

 

Một phần lỗi do bác sĩ

 

Thực tế cũng đã xảy ra nhiều tắc trách, lỗi thuộc về bác sĩ, như trường hợp sản phụ Lữ Thị Lâm Quy trở dạ, được người thân đưa vào BV Đa khoa Quảng Nam sinh. Sau khi chị Quy vào phòng sinh, khoảng 30 phút sau, một nhân viên bồng bé trai nặng 0,7kg đưa cho người nhà bảo mang về lo hậu sự nhưng lúc người nhà tắm cho cháu trước khi mang đi chôn thì giật mình thấy đứa trẻ còn... cựa quậy! Năm 2011, cũng tại BV Đa khoa Quảng Nam, bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Hiền (SN 1992, ngụ xã Tam An, huyện Phú Ninh) chết sau 1 ngày nhập viện vì bị chuyển “nhầm” khoa. Hiền bị bệnh dạ dày nhưng lại được chuyển vào khoa về các bệnh truyền nhiễm...

 

350 triệu đồng là xong?

 

Điều đáng nói là ứng xử của các BV xảy ra tai biến y khoa rất tùy tiện. Điển hình là cái chết của mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Vinh tại BV Đa khoa TP Vinh, tỉnh Nghệ An đêm 4/9. Sau khi sản phụ Vinh chết, người nhà sản phụ đã kéo đến bao vây BV. Chính ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Vinh, cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của sản phụ Vinh là do “thuyên tắc mạch ối” và khẳng định: “Đây là bệnh lý sản khoa không có tuyến BV nào cứu được” nhưng BV vẫn “đền bù” cho người nhà sản phụ Vinh 350 triệu đồng!

 

Cách ứng xử tùy tiện như vậy tạo tiền lệ rất xấu trong việc giải quyết các vấn đề thuộc tai biến y khoa. Nếu đúng nguyên tắc thì việc xử lý phải có sự can thiệp của hội đồng y khoa, tiến hành mổ tử thi để tìm nguyên nhân. Nếu sai sót do bác sĩ thì cũng đã có các quy định xử lý, kể cả những quy định của pháp luật về mặt hình sự.

 

Theo Ngọc Dung – Hồng Thanh – Trần Thưởng

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm