1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hàng trăm người quen xét nghiệm không trùng nhóm máu, chàng trai trẻ được cứu bởi nhóm "gọi là có"

(Dân trí) - Bị tai nạn mảnh kim loại cắt vào động mạch chủ khi đang đi biển, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Sơn (sinh 1996 Tĩnh Gia, Thanh Hoá) được đưa ngay vào đất liền cấp cứu trong tình trạng hôn mê, chỉ còn 1/3 lượng máu cơ thể. Hàng trăm người quen cùng xã đã xét nghiệm để cho máu nhưng Sơn có nhóm máu hiếm.

Khi sự sống đang bị đe doạ nghiêm trọng, cả nhà chỉ biết cuống quýt đăng thông tin xin máu trên mạng xã hội. Đúng lúc tưởng rằng cơ hội sẽ khép lại vĩnh viễn với chàng trai trẻ đang hôn mê, hai người chưa từng quen biết xuất hiện tại bệnh viện hiến máu đã cứu Sơn khỏi nguy kịch.

Hàng trăm người quen xét nghiệm không trùng nhóm máu, chàng trai trẻ được cứu bởi nhóm gọi là có - 1

Sau tai nạn, không giữ được tay phải nhưng Sơn vẫn đi biển, tham gia CLB máu hiếm. Ảnh: H.Hải

Sáng 24/11, có mặt tại buổi gặp mặt CLB nhóm máu hiếm tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, sau hơn 1 năm xảy ra tai nạn, Sơn không còn giữ được cánh tay phải nhưng cậu vẫn có thể đi biển và đặc biệt chàng trai trẻ vui vẻ tham gia vào câu lạc bộ máu hiếm ở Thanh Hoá.

“Em từng suýt chết vì không có máu, được nhận đến 11 đơn vị máu của mọi người. Vì thế, không có lý do gì em lại không tham gia vào CLB máu hiếm, để khi ai cần là mình có mặt”, Sơn chia sẻ.

Sơn kể về câu chuyện của mình, được hai người phụ nữ xa lạ hiến máu cứu sống.

Sau khi tai nạn xảy ra chiều 5/8/2018, phải mất hai tiếng tàu mới đưa được Sơn vào bờ, đến Vinh. Mất máu trầm trọng, Sơn hôn mê. Kết quả xét nghiệm Sơn có nhóm máu A (Rh âm), thuộc nhóm máu hiếm.

Trước đó khi nghe thông báo về nhà, bố mẹ Sơn đã nhờ hàng trăm người cùng xã Hải Thanh đi xét nghiệm để hiến máu cứu con, nhưng từng đó người, không ai cùng nhóm máu. 

Câu chuyện của Sơn được mọi người chia sẻ trên mạng xã hội và đến 10 giờ đêm (sau 5 tiếng nhập viện), có hai người phụ nữ vào bệnh viện  hiến máu cho Sơn.

"Nhờ hai đơn vị máu của hai người em chưa từng biết mặt, mà em giữ được tính mạng và được chuyển ra BV Việt Đức cấp cứu", Sơn nhớ lại.

Thời gian điều trị tại BV Việt Đức, trải qua 4 lần phẫu thuật Sơn được nhận thêm 9 đơn vị máu của những người có nhóm máu hiếm, trong đó có chàng trai trẻ cùng quê vốn từ người xa lạ giờ trở thành người bạn thân thiết của Sơn trong câu lạc bộ máu hiếm.

"Khi Sơn đang nằm điều trị ở Việt Đức, em nhận được tin báo trong nhóm bạn Sơn đang rất cần máu để phẫu thuật, ngay trong đêm, em bắt xe ra Hà Nội hiến máu", Nguyễn Hoàng Long, 28 tuổi cho biết.

Hàng trăm người quen xét nghiệm không trùng nhóm máu, chàng trai trẻ được cứu bởi nhóm gọi là có - 2

Sơn và Long đều là thành viên thuộc nhóm "gọi là có", sẵn sàng hiến máu cho bệnh nhân có nhóm máu hiếm giống mình. Ảnh: H.Hải

Khi hỏi về động lực nào để vượt qua chặng đường gian khó đi hiến máu cho một người chưa từng quen biết, Long chia sẻ, các thành viên CLB máu hiếm luôn sẵn sàng tinh thần "gọi là có". "Bọn em chỉ đơn giản nghĩ mình cũng trong nhóm máu rất ít người có đó, nếu có thể giúp ai được thì cố gắng giúp đỡ người đó", Long nói. Và đó là lý do duy nhất để Long vượt chặng đường 200km ra Hà Nội hiến máu cho một người xa lạ.

Sáng 24/11 có mặt tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương, Long cũng kịp thời hiến tiểu cầu máy cứu một bệnh nhân giảm tiểu cầu có cùng nhóm máu hiếm.

Tuần đầu tháng 11 vừa qua, chỉ trong hai ngày 7 và 8/11, gần 20 người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm đã được mời tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tham gia hiến máu để kịp thời duy trì nhu cầu dự trữ cho cấp cứu và điều trị.

Hàng trăm người quen xét nghiệm không trùng nhóm máu, chàng trai trẻ được cứu bởi nhóm gọi là có - 3

Chỉ cần đọc được những thông tin chia sẻ trong nhóm như thế này, ai đủ điều kiện cũng chủ động thu xếp đến viện bất kể thời tiết, đêm hôm.

Họ tình cờ biết mình mang nhóm máu hiếm, để rồi thấu hiểu ý nghĩa của những đơn vị máu "quý hiếm” của mình nên bất cứ thời gian sớm khuya, bất kể mưa nắng, cứ hễ được gọi là họ đều có mặt tham gia hiến máu.

Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

Trong khi đó, ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc... tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15% - 40% dân số.

Nhóm máu hiếm Rh(D) âm như các nhóm máu khác; người có nhóm máu hiếm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam). Tuy nhiên, khi gặp vấn đề phải truyền máu, dù kho máu của viện đầy cũng không thể truyền cho những bệnh nhân này. 

Câu lạc bộ nhóm máu hiếm như một ngân hàng máu sống, những thành viên trong đó tình cờ biết mình mang nhóm máu hiếm, để rồi thấu hiểu ý nghĩa của những đơn vị máu "quý hiếm” của mình nên bất cứ thời gian sớm khuya, bất kể mưa nắng, cứ hễ được gọi là họ đều có mặt tham gia hiến máu.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm