Hàng loạt địa phương áp dụng khai báo y tế bắt buộc người trở về từ Đà Nẵng
(Dân trí) - Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, hàng loạt địa phương áp dụng khai báo y tế bắt buộc, giám sát sức khoẻ với người trở về từ Đà Nẵng.
Thanh Hoá: Rà soát kỹ lịch sử đi lại người có nguy cơ
Sáng 27/7, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị trực tuyến với 27 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố (các huyện), để triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19 trong tình hình mới.
Nhận định nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan ở Thanh Hóa là hiện hữu, trong đó những nguồn lây trước mắt và chủ yếu trong giai đoạn hiện nay là từ những người mang mầm bệnh trở về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Chưa loại trừ khả năng đã có nhiều người Thanh Hóa đang mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh hoặc mang mầm bệnh không triệu chứng, sẽ là nguồn lây bệnh rất khó kiểm soát, nhất là trong trường hợp vi rút có khả năng phát tán rộng, lây nhiễm qua đường không khí.
Bên cạnh đó, có thể từ những người nhập cảnh vào Việt Nam và đến Thanh Hóa không theo đường nhập cảnh chính thống (qua đường mòn, lối mở, tàu thuyền…).
Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị các huyện nhanh chóng kiện toàn, tái khởi động, duy trì hoạt động các khu cách ly tập trung phòng chống dịch.
Theo đó cần tích cực rà soát phát hiện sớm những đối tượng đến, đi qua vùng dịch, người nhập cảnh vào Việt Nam và đến Thanh Hóa không theo đường nhập cảnh chính thống, đặc biệt là những người đến từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Tổ chức rà soát, giám sát, quản lý chặt chẽ, tổ chức cách ly phù hợp tất cả các đối tượng nguy cơ, trong đó tập trung vào giám sát tất cả những người đã ở Đà Nẵng đến Thanh Hóa từ ngày 18/7/2020.
Triển khai ngay các tổ công tác tại các bến xe khách, cảng hàng không Thọ Xuân, cảng biển, để kiểm tra y tế, hướng dẫn và tổ chức cách ly đối với tất cả những hành khách trở về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Đồng thời, rà soát cách ly ngay những người nước ngoài có lịch sử đi lại không rõ ràng hoặc cư trú bất hợp pháp trên địa bàn, chưa thực hiện việc khai báo y tế; tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, tất cả các trường hợp có các triệu chứng sốt, ho, khó thở chưa xác định được nguyên nhân đều phải được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Đặc biệt, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn để phòng tránh dịch Covid-19 qua hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố…
Đồng Nai: Yêu cầu người trở về từ Đà Nẵng tự cách ly 14 ngày
Ngày 27/7, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành công văn về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn đồng thời yêu cầu người dân đến hoặc trở về từ TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi phải khai báo y tế và cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Đà Nẵng, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh ra thông báo về việc đeo khẩu trang nơi công cộng và rửa tay sát khuẩn.
Cũng trong ngày, bà Nguyễn Hoà Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản số 124/CV-BCĐ về việc tiếp tục triển khai phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu tất cả những người dân đi hoặc trở về từ Đà Nẵng từ ngày 13/7 và người dân đi hoặc trở về từ Quảng Ngãi từ ngày 17/7 phải khai báo y tế trên phần mềm nCoV của Bộ y tế và cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Riêng các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân số 416, 418, 419, 420 phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh và lấy mẫu xét nghiệm. Các trường hợp có triệu chứng liên quan đến Covid-19 phải được nhập viện cách ly, xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
UBND tỉnh yêu cầu lực lượng Công an tỉnh và UBND các huyện, TP Biên Hoà, TP Long Khánh cần phải thắt chặt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. Kịp thời phát hiện những trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép đồng thời xử lý nghiêm những người đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Đồng Nai. Riêng bộ phận người nước ngoài đang được phép làm việc, lưu trú tại địa phương cũng cần phải được quan tâm quản lý chặt chẽ.
UBND tỉnh cũng giao cho Sở y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh yêu cầu người đến khám phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và thực hiện phân luồng, khám sàng lọc bệnh nhân hô hấp.
Quảng Trị: Lấy mẫu xét nghiệm người bệnh có triệu chứng hô hấp
Thông báo những người từ Đà Nẵng trở về địa phương có tiếp xúc gần hoặc có đến các địa điểm theo lịch trình của trường hợp bệnh 416, bệnh nhân 418 đã được Bộ Y tế thông báo, chủ động liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ y tế.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác khám sàng lọc, lấy mẫu bệnh phẩm cho tất cả các trường hợp có triệu chứng đường hô hấp và có yếu tố dịch tễ, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Các cơ sở y tế tăng cường giám sát trên diện rộng, kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch.
Quảng Nam tăng cường giám sát, phòng thủ từ xa
Ngày 27/7, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp nhằm giám sát chặt chẽ các trường hợp đến Quảng Nam cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian tới.
Liên quan đến ca bệnh 416 và 418 tại TP Đà Nẵng, Ban chỉ đạo tỉnh Quảng Nam đã giám sát 133 trường hợp gồm 94 người huyện Đại Lộc, 25 người ở Hội An, 10 người ở thị xã Điện Bàn, 2 người ở huyện Thăng Bình, 2 người ở TP Tam Kỳ, đã thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với các trường hợp liên quan đến ca bệnh 420 tại TP Đà Nẵng, Ban chỉ đạo tỉnh Quảng Nam đã giám sát 5 trường hợp, gồm 3 người ra thăm bệnh nhân 420 (trong đó có 2 người ở TP Tam Kỳ và 1 người ở TP Hội An; 2 người có đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng), thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
“Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, thị xã, thành phố tiếp tục truy quét, tìm kiếm người có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh đã xác định dương tính với Covid-19 để đưa vào cách ly tập trung theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời các địa phương khẩn trương thành lập các khu cách ly tập trung, chỉ đạo quyết liệt thực hiện phương châm cách ly 4 tại chỗ, chuẩn bị tốt các phương tiện, vật tư y tế để cung cấp đầy đủ. Đặc biệt đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến cho người dân”, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam chỉ đạo.
Đến sáng 27/7, ngành y tế Quảng Nam đã có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với 120/170 trường hợp có liên quan đến các ca bệnh 416 và 418 ở Đà Nẵng và các mẫu đều có kết quả âm tính.
Chiều 27/7, trao đổi với phóng viên, Bác sĩ Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thông tin, đến 16h30 sẽ có kết quả của 47 mẫu còn lại gồm 14 mẫu ở thị xã Điện Bàn, 8 mẫu ở Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, 22 mẫu ở huyện Đại Lộc và 3 mẫu ở huyện Quế Sơn. Các trường hợp này đều liên quan đến tất cả các bệnh nhân được công bố ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
Duy Tuyên - Khoa Nam - Đăng Đức - Công Bính