1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hàng loạt bệnh viện ở TPHCM giảm sâu F0 sau Tết: Chuyên gia nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia, dù số ca nhiễm Covid-19 ở TPHCM giảm sâu sau kỳ nghỉ Tết, vẫn có 2 vấn đề chính cần phải thực hiện để không xảy ra bùng phát dịch nặng nề, khi người lao động tỉnh trở lại làm việc.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chính thức khép lại vào ngày 6/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch). Sau thời gian nhiều tháng chống dịch, người dân TPHCM đã được thoải mái di chuyển, du xuân, khi địa phương đã có tuần thứ 5 liên tiếp được đánh giá là "vùng xanh".

Trước đó theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, trong ngày 5/2 TPHCM có 24 ca nhiễm Covid-19 mới. Số bệnh nhân tử vong trong ngày chỉ còn 6 trường hợp, trong khi số ca nhiễm biến thể Omicron vẫn dừng ở con số 92 F0.

TPHCM giảm sâu F0 sau Tết

Lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương cho biết, trước thời gian nghỉ Tết, các khoa điều trị Covid-19 của BV có tổng cộng hơn 100 F0. Đến nay sau kỳ nghỉ Tết, nơi đây chỉ còn 19 bệnh nhân, trong đó có 13 thở máy. Theo lãnh đạo BV, kết quả này diễn ra trong bối cảnh người dân đã được phủ vaccine dày. Dù vậy sau Tết, việc người lao động các tỉnh ồ ạt trở lại TPHCM làm việc khiến nguy cơ gia tăng số ca mắc mới là kịch bản có thể xảy ra. Do đó, BV vẫn trên tinh thần cảnh giác trước tình huống xấu.

Hàng loạt bệnh viện ở TPHCM giảm sâu F0 sau Tết: Chuyên gia nói gì? - 1

BV Trưng Vương, TPHCM giảm sâu số ca nhiễm Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lê).

Còn BV dã chiến số 12 (đóng tại TP Thủ Đức, nơi trước đó được phân công tiếp nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron) thông tin, trong những ngày qua nơi đây không còn tiếp nhận các trường hợp mới, khi các ca bệnh nhập cảnh đã được cho cách ly tại nhà, nên áp lực điều trị không còn quá cao. Trước kỳ nghỉ Tết, BV có 357 F0, trong đó có các ca nhiễm biến chủng Omicron. Những ngày qua, đã có một số bệnh nhân được xuất viện.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Dã chiến 3 tầng số 16 cho PV Dân trí biết, từ 40 bệnh nhân Covid-19 trước Tết, hiện nơi đây chỉ còn 20 bệnh, trong đó có hơn 10 bệnh nặng phải thở máy. Nam bệnh nhân V.Q.D. (28 tuổi), nặng 140kg là ca cuối cùng chạy ECMO của BV, đã được cai máy sau 84 ngày điều trị. Dù số ca bệnh giảm sâu và tình hình đang được kiểm soát rất tốt, BV vẫn đang duy trì hoạt động theo chính sách chống dịch của ngành Y tế TPHCM.

Với BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình, bác sĩ Hồ Hữu Đức, Phó Giám đốc BV cho biết, nơi đây còn tổng cộng 20 F0 ở tầng 3, trong đó 7 trường hợp đang thở máy, còn lại là các bệnh nhân thở HFNC, thở máy không xâm nhập và thở oxy canula. Trong kỳ nghỉ Tết, mỗi ngày BV tiếp nhận chỉ một, hai F0 mới nhưng cũng có một số bệnh nhân xuất viện. Do số lượng bệnh nhân còn rất ít, ban lãnh đạo BV đã cho 50% nhân viên được về nhà, giữ lại khoảng 200 nhân sự trực Tết.

Theo bác sĩ Đức, trước đó Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các BV sẵn sàng ứng phó nếu số ca mắc gia tăng trở lại, hoặc có sự xâm nhập của biến chủng Omicron. Trong trường hợp được điều động gấp, trong vòng 24 giờ nhân viên y tế phải có mặt.

Lãnh đạo BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình nhận định, tình hình bây giờ khó có khả năng căng thẳng trở lại như trước, vì người dân đa phần đã tiêm đủ vaccine. Đồng thời, các nhân viên y tế tuyến cơ sở cũng đã có kinh nghiệm xử trí, chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà nên số lượng bệnh nhân trở nặng giảm khá nhiều. Bác sĩ Đức chia sẻ, ít nhất BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình sẽ phải duy trì đến hết quý I để tình hình được kiểm soát tốt.

Hàng loạt bệnh viện ở TPHCM giảm sâu F0 sau Tết: Chuyên gia nói gì? - 2

Nhiều người lao động sẽ trở lại TPHCM làm việc sau kỳ nghỉ Tết (Ảnh: Hoàng Lê).

Chuyên gia: 2 vấn đề cần thực hiện

Trao đổi với Dân trí , PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, việc số ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM gia tăng sau Tết, khi người lao động trở lại làm việc là thực tế có thể xảy ra. Dù vậy qua việc sử dụng các mô hình đánh giá, ông cho rằng các biện pháp 5K và việc tăng cường tiêm chủng mũi 3 của Thành phố đã phát huy tác dụng về việc giảm nguy cơ lây lan.

Do đó bằng quan điểm cá nhân của mình, chuyên gia tin rằng dù số ca mắc có thể tăng nhưng không thể lây theo cấp số nhân và từ đó cũng không có hiện tượng bùng phát dịch.

PGS Dũng chỉ nhấn mạnh 2 vấn đề mà cơ quan chức năng cần thực hiện. Thứ nhất, hãy khẳng định với người dân việc nhiễm bệnh trong tình hình hiện tại, dù đã tiêm vaccine hoàn toàn là chuyện bình thường. Vaccine chỉ giúp giảm tỉ lệ nặng và tử vong chứ không thể bảo vệ khỏi nhiễm bệnh. Khi hiểu rõ việc này, người dân sẽ chủ động khai báo y tế đúng và tuân thủ các biện pháp cách ly, điều trị theo hướng dẫn thay vì giấu bệnh, gây nguy cơ lây lan.

Hàng loạt bệnh viện ở TPHCM giảm sâu F0 sau Tết: Chuyên gia nói gì? - 3

Chuyên gia cho rằng TPHCM cần tiếp tục đẩy mạnh phủ vaccine mũi 3 cho người dân (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ hai, vì TPHCM đã xuất hiện chủng Omicron, và chủng này có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với chủng Delta, dù đã được tiêm 2 mũi vaccine, do đó địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine mũi 3, mũi bổ sung, nhắc lại cho người dân để tăng cường khả năng bảo vệ, giảm bệnh nhân chuyển nặng để không gây quá tải hệ thống điều trị.

Chuyên gia dự đoán nếu các vấn đề trên và những biện pháp 5K tiếp tục được người dân tuân thủ, không có sự mất cảnh giác, dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát.

"Nếu người dân không tuân thủ 5K, không ý thức đeo khẩu trang khi ra đường và không khai báo y tế thì không vaccine nào bảo vệ nổi với chủng mới" - PGS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.