Hãi hùng những “gương mặt ma” vì kem trộn làm đẹp thần tốc

(Dân trí) - Với tác dụng làm trắng sáng và giảm mụn trứng cá nhanh chóng khiến không ít người nghiện sử dụng kem trộn mà không lường được hậu họa để lại. Những gương mặt sần sùi, bong tróc và cả mụn dày đặc sau một thời gian dùng kem trộn khiến ai thấy cũng phải rùng mình. Chưa kể, để điều trị cần thời gian cả vài tháng cho đến cả năm vẫn rất khó trở về bình thường.

“Gương mặt ma” vì kem trộn

Ths.BS Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ khoa Điều trị bệnh da nam giới chia sẻ, những bệnh nhân gần đây đến BV Da liễu Trung ương khám vì biến chứng sau dùng kem trộn cho thấy thực sự cần lời cảnh tỉnh với tất cả bệnh nhân.

“Đặc điểm các loại kem này là trắng sáng và giảm mụn trứng cá nhanh. Nhưng sau 1 thời gian dùng thuốc (có thể 2- 3 tháng, cũng có người đến cả năm) người bệnh trở thành một “gương mặt ma" di động như lời bệnh nhân khi đến khám phàn nàn với bác sĩ. Khi đó, người bệnh bị phụ thuộc thuốc, sắc tố da biến đổi, mặt chi chít mụn”, BS Tâm nói.


Bệnh nhân nữ 35 tuổi sau 3 tháng dùng kem trộn chữa nám thì bị tình trạng như trên, loang lổ da mặt. Ảnh: BS cung cấp.

Bệnh nhân nữ 35 tuổi sau 3 tháng dùng kem trộn chữa nám thì bị tình trạng như trên, loang lổ da mặt. Ảnh: BS cung cấp.

Như trường hợp của nam sinh 16 tuổi đến từ Hải Phòng. Ở tuổi dậy thì, gương mặt của nam sinh xuất hiện rất nhiều mụn trứng cá, đặc biệt là vùng trán và cằm thường. Mặc cảm, xấu hổ vì bị bạn bè trêu trọc, nam thanh niên này đã lên mạng tìm thông tin và được giới thiệu một sản phẩm được quảng cáo trị mụn trứng cá tức thì.

Đúng như quảng cáo, sau 2 tuần bôi kem, cả đám mụn trứng cá đáng ghét đều biến mất. Tuy nhiên, khi em ngừng dùng thì mụn lại xuất hiện nên em lại tiếp tục dùng. Sau 2 tháng dùng liên tiếp, mặc cậu bất ngờ nổi mụn mủ ngứa ngáy, đau đớn.

Nam sinh nổi mặt mụn mủ chi chít sau một thời gian dùng kem trộn.
Nam sinh nổi mặt mụn mủ chi chít sau một thời gian dùng kem trộn.

Theo bác sĩ Tâm, bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid. Tại thời điểm nhập viện da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán bị nghiện corticoid bôi. Ngoài bệnh nhân này, các bác sĩ cũng gặp khá nhiều những trường hợp bị nám khắp mặt sau điều trị kem trộn có chất làm trắng hydroquinone và corticoid.

“Nghiện” vì hiệu quả thần tốc

Theo BS Tâm, không chỉ bệnh nhân trứng cá, mà những người nám má cũng có xu hướng thích sử dụng kem trộn. Hay những em học sinh mới lớn có làn da hơi bánh mật cũng thích bôi để tạo da trắng.

Bởi đặc tính trộn corticoid nên kem có tác dụng làm trắng, da nhẵn rất nhanh, trông thấy sự thay đổi mỗi ngày. Chỉ cần 2 tuần là bệnh nhân thấy hài lòng, trong khi các phương pháp khác điều trị từ 1 – 3 tháng, thậm chí mất 12 tháng với mụn trứng cá.

Thế nhưng sau vài tháng sử dụng, tình trạng bệnh lý càng trở nên tồi tệ (trứng cá nhiều hơn hoặc nám má tăng). Bệnh nhân xuất hiện các tác dụng phụ cua thuốc (giãn mạch, teo da, rậm lông... và quan trọng là nghiện thuốc do cứ dừng thuốc là da đỏ, ngứa, bong tróc, nổi mụn nên dùng lại thuốc.

Trường hợp bệnh nhân nữ 22 tuổi làm trong dịch vụ khách sạn là một điển hình. Bệnh nhân bị trứng cá nên được nhân viên bán thuốc bán Dibetanih bôi và bị "tái nghiện" liên tục cứ dừng là nổi mụn. Vì thế bệnh nhân dùng kem trong vòng 1 năm đến nay bị teo da giãn mạch, trứng cả mủ, da mặt mỏng như tờ giấy bị bào mòn.

Hay một nam sinh viên 20 tuổi vừa vào viện khám cũng do sử dụng thuốc trên. Bệnh nhân kể 2 tuần đầu dùng đã sung sướng tột cùng sau khi mụn hết. Nhưng sau 2 tháng thì trứng cá nổi chi chít trên mặt.

Trong đó có những trường hợp sau khi bôi kem trộn có corticoid được một thời gian trên mặt xuất hiện lông dài và rậm, teo da, giãn mạch, mỏng da, rạn da…

"Corticoid bôi có tác dụng co mạch do ức chế hoạt động của Nitric Oxide (NO), khi dừng thuốc thì NO giải phóng ồ ạt từ tế bào nội mô mạch máu đến giãn mạch mạnh gây đỏ da, phù nề. Nó cũng có tác dụng ức chế miễn dịch, khi dùng thuốc lâu sẽ làm phát triển vi khuẩn (chứa siêu kháng nguyên). Sau khi ngừng thuốc các siêu kháng nguyên này hoạt hóa phản ứng viêm của da gây sẩn mụn mủ", BS Tâm giải thích tình trạng mặt thường "bùng phát" mụn sau khi dừng thuốc bôi có corticoid.

Hãi hùng những “gương mặt ma” vì kem trộn làm đẹp thần tốc - 3

“Nhiều người khi đến khám có mang theo sản phẩm là những hộp kem được quảng cáo có công dụng làm trắng da, chữa nám, trị mụn trứng cá... với thành phần trên nhãn là thảo dược nhưng với kinh nghiệm điều trị và triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải trong suốt thời gian sử dụng thì chắc chắn sản phẩm chứa chất làm trắng hydroquinone và corticoid. Đây đều là nhưng chất cấm trong mỹ phẩm. Với corticoid không được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và nếu bôi ngoài da phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi để tránh những biến chứng nguy hiểm”- bác sĩ Tâm cảnh báo.

Bác sĩ Tâm cho biết, thông thường dùng corticoid bôi liên tục trong 2-4 tháng có thể gây ra tình trạng nghiện thuốc. Corticoid bôi càng mạnh thời gian để gây nghiện thuốc càng ngắn. Và để can thiệp "cai nghiện" là một nỗ lực, quyết tâm rất lớn của bệnh nhân bởi cứ dừng thuốc là mặt lại bong tróc, nổi mụn, sần sùi.

Vì thế, khi sử dụng loại kem trộn mà thấy mặt nóng rát, châm chích, nặng hơn khi tiếp xúc với nhiệt và ánh sáng mặt trời, nổi mụn mủ... bệnh nhân không nên dùng đi dùng lại thuốc mà hãy đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn.

Tuyệt đối không để tình trạng dùng thời gian đầu da đẹp, dừng bệnh tái phát, lại dùng rồi lặp đi lặp lại nhiều lần gây tình trạng nghiện dùng và tổn thương da ngày càng trầm trọng. Bác sĩ sẽ tư vấn để bệnh nhân "cai nghiện" bôi kem trộn và hướng dẫn sử dụng kem ẩm, thuốc chữa mụn để làn da trở về bình thường. Thời gian "cai nghiện" cần từ 1 - 12 tháng tùy từng trường hợp, thậm chí mất vài năm..

"Kem trộn không kiểm soát được nguồn gốc rất dễ có corticoid không chỉ gây tác hại cho da, mà thuốc dùng bôi quá liều gây suy tuyến thượng thận quá 45 g/tuần (loại mạnh), quá 50 gr tuần. Sử dụng quanh mắt gây glocom, đục gây mù loà...Vì thế, tuyệt đối không tùy tiện dùng các loại kem trộn không rõ nguồn gốc xuất xứ", bác sĩ Tâm nói.

Hồng Hải