Hãi hùng hình ảnh tăm đâm thủng ruột bệnh nhân, gây viêm ruột thừa

(Dân trí) - Hình ảnh nội soi được các bác sĩ quay lại cho thấy đoạn tăm dài đến 2cm đâm thủng ruột bệnh nhân. Đây cũng là căn nguyên khiến bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp, phải phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, khoa Phẫu Thuật Ống tiêu hoá, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ngày  5/8/2019, trong một ca phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa điều trị bệnh lý viêm ruột thừa cấp cho nam thanh niên 38 tuổi, ở Gia Lâm, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân làm ruột thừa bị viêm và thủng là một que tăm do bệnh nhân vô tình nuốt phải.

Tăm nhọn đâm thủng ruột gây viêm ruột thừa

Sáng ngày 5/8, bệnh nhân N.P.M (38 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu phải giờ thứ 20, sốt nhẹ, buồn nôn. Sau khi thăm khám, bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp và tiến hành phẫu thuật nội soi.

Khi tiến hành phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện "thủ phạm" là một chiếc tăm nhọn đâm xuyên thủng ruột, thòi tăm ra ngoài.

Các bác sĩ lý giải, khi bệnh nhân vô tình nuốt phải dị vật sắc nhọn, thông thường dị vật di chuyển trong lòng ống tiêu hóa, có thể gây thủng ruột non, đại tràng hoặc dạ dày.

Với trường hợp bệnh nhân này,  dị vật là que tăm chui vào lòng ruột thừa và gây thủng ruột thừa, là trường hợp vô cùng hiếm gặp.

Cũng theo các chuyên gia, nguyên nhân viêm ruột thừa là do các yếu tố gây bít tắc ruột thừa như sỏi phân, vi khuẩn, virus, nấm,…

Trong trường hợp này, là do bệnh nhân vô tình nuốt phải dị vật. Dị vật tăm nhọn đã có một quá trình di chuyển vô cùng phức tạp. Sau khi đi qua miệng vào, dị vật đi xuống thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non sang manh tràng và chui qua gốc ruột thừa có đường kính rất nhỏ khoảng (2-4mm) nằm trong lòng ruột thừa và chọc thủng ruột thừa chui một nửa ra khoang bụng.

Hãi hùng hình ảnh tăm đâm thủng ruột bệnh nhân, gây viêm ruột thừa - 1

Sau phẫu thuật 1 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không đau bụng, đã ăn nhẹ. Dự kiến có thể ra viện sau vài ngày tới.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, sử dụng tăm là thói quen của nhiều người Việt. Tuy nhiên mọi người nên bỏ ngay tăm sau khi "xỉa răng". Tuyệt đối không nên ngậm tăm khi đang nói chuyện, cười đùa, thậm chí nhiều người ngậm tăm rồi ngủ gật... Thói quen ngậm tăm này rất nguy hiểm, nhiều trường hợp bệnh nhân đã nuốt phải tăm nhọn do thói quen này.

Nếu không may nuốt phải tăm, người bệnh cần nhanh chóng các cơ sở y tế để khám và can thiệp điều trị sớm tránh những biến chứng đáng tiếc.

Hồng Hải