1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hai giai đoạn điều trị chứng đau nửa đầu

(Dân trí) - “Với bệnh đau nửa đầu (nhức đầu migraine), ngoài việc điều trị triệu chứng khi xuất hiện cơn đau, điều trị dự phòng đóng vai trò quan trọng để giảm tần số cơn đau”, PGS.TS Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh - BV Bạch Mai cho biết.

Đau đầu có rất nhiều nguyên nhân gây nên, khi xuất hiện những cơn đau đầu, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa xác định căn nguyên gây nên những cơn đau này.

 

Nếu bị đau nửa đầu migraine, người bệnh thường bị những cơn đau đầu nửa đầu kéo dài với các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng: đau giật giật theo nhịp mạch đập, đau vừa phải hoặc đau dữ dội, đặc biệt ở vùng hốc mắt…với tần số, cường độ, khoảng thời gian đau khác nhau ở mỗi người.

 

Khi chẩn đoán chắc chắn bị đau nửa đầu magraine, việc điều trị sẽ chia làm hai giai đoạn: điều trị cấp và điều trị dự phòng.

 

Điều trị cấp (điều trị cơn đau):

 

Là giai đoạn người bệnh thấy đau đầu dữ dội cần điều trị ổn định. Điều trị cấp nhằm giảm các cơn đau dữ dội một cách hiệu quả, nhanh chóng và khôi phục lại khả năng của người bệnh về các chức năng bị tổn thương sau cơn đau nửa đầu.

 

Ở từng người bệnh, bác sĩ có những đơn thuốc khác nhau dựa trên cơ sở khám lâm sàng và cận lâm sàng. Ngoài những thuốc giảm đau thông thường, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng các loại thuốc đặc trị ở mức độ vừa và nặng; hoặc dùng thuốc này để điều trị cho những bệnh nhân ở mức độ nhẹ, vừa nhưng dùng các loại thuốc giảm đau khác không mang lại hiệu quả.

 

Giai đoạn điều trị cấp thường kéo dài trong khoảng 2 tuần. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần tự theo dõi hiệu quả của thuốc. Bởi có nhiều trường hợp, sau khi dùng thuốc, người bệnh lại có hiện tượng đau đầu phản hồi (dùng thuốc cơn đau lại tăng lhieej. Khi có hiện tượng này, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để có cách xử lý hiệu quả nhất.

 

Tuy nhiên, điều trị cấp chỉ có tác dụng giảm cơn đau, vì thế, người bị chứng đau nửa đầu cần được điều trị dự phòng để tránh tái phát lại cơn đau.

 

Điều trị dự phòng

 

Theo PGS.TS Lê Văn Thính, không phải bất cứ bệnh nhân nào cũng cần điều trị dự phòng khi bị migraine. Căn cứ vào tần số cơn đau mà bác sĩ sẽ chỉ định những bệnh nhân nào cần được điều trị dự phòng.

 

Chỉ điều trị dự phòng cho những bệnh nhân sau: xuất hiện cơn đau đầu 2 lần/tuần; những bệnh nhân mà trong giai đoạn điều trị cấp không mang lại hiệu quả; những bệnh nhân có các cơn đau migraine không điển hình, có triệu chứng báo trước kéo dài, nhồi máu não có migraine…

 

Điều trị dự phòng nhằm giảm tần số, cường độ cơn đau; cải thiện các chức năng bị suy giảm sau cơn đau và giúp củng cố cho phương pháp điều trị trong giai đoạn cấp.

 

Giai đoạn điều trị dự phòng kéo dài từ 2 - 3 tháng. Nếu kiểm soát được các cơn đau trong vòng 6 tháng, người bệnh không cần điều trị tiếp.

 

Hồng Hải