1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Trong nửa tháng, 2 anh em ruột tử vong do nhiễm khuẩn Whitmore

(Dân trí) - Cuối tháng 10, gia đình bệnh nhân có con thứ 2 tử vong do sốc nhiễm khuẩn được xác định do nhiễm Whitmore. Ngày 16/11 vừa qua, con út của gia đình cũng tử vong sau khi điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương)

Sáng 18/11, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội cho biết đang tiến hành điều tra dịch tễ trường hợp 2 anh em ruột trong một gia đình tử vong do nhiễm khuẩn Whitmore. Đáng chú ý, hai cháu bé vừa tử vong nói trên cũng đã có chị gái (SN 2012) đã mất do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ cách đây vài tháng (tháng 4-2019).

Hà Nội: Trong nửa tháng, 2 anh em ruột tử vong do nhiễm khuẩn Whitmore - 1

Thời gian qua nhiều bệnh nhi được phát hiện nhiễm Whitmore

Đây là trường hợp bé trai T.Q.H. (SN 2018 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tử vong hôm 16/11 sau 6 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Đáng nói trước đó 15 ngày, anh trai của bệnh nhi cũng tử vong, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Whitmore, sau khi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ngày 31/10, anh trai của bệnh nhi H. là cháu T.C.V. (SN 2014) tử vong sau 3 ngày nhập viện.

Theo gia đình bệnh nhi, trước ngày vào viện 1 ngày (ngày 27-10), bệnh nhi V. xuất hiện sốt 38,5 độ C kèm theo đau bụng và gia đình không điều trị gì. Đến 5 giờ chiều ngày 28-10, bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21 giờ ngày 31-10, bệnh nhi đã tử vong tại bệnh viện này với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi V. được lấy máu xét nghiệm và được xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore. Tiền sử bệnh nhi cho thấy cháu khỏe mạnh, không mắc các loại bệnh mạn tính

"Với trường hợp bệnh nhi V. sau khi tử vong, chúng tôi đã gặp gỡ gia đình, giải thích rất kỹ, vì trước ca tử vong này, chị gái hai bệnh nhi cũng đã không qua khỏi khi điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội vài tháng trước. Chúng tôi không biết rõ căn nguyên tử vong nhưng qua diễn biến, chúng tôi cũng nghi ngờ nhiễm khuẩn Whitmore. 

Vì thế, khi bệnh nhân V. tử vong, chúng tôi dặn dò kỹ gia đình cho em bé còn lại (là bé H.) đến kiểm tra sức khoẻ, tư vấn đến miễn dịch, di truyền… Nếu em bé có gì bất thường gì về sức khoẻ, cần bỏ qua tuyến cơ sở đưa lên ngay Bệnh viện Nhi Trung ương. Gia đình chưa kịp đưa bé đi thì em bé sốt hôm 10/11", TS Tuấn nói.

Ngay khi gia đình đưa bệnh nhi đến khoa hôm 10/11, y tá nhìn thấy lời dặn dò của bác sĩ trưởng khoa đã liên lạc ngay với bác sĩ. Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sốt nhưng tỉnh táo, TS Tuấn cho biết ngay khi hội chẩn đã quyết định dựa vào kết quả kháng sinh đồ của anh trai bệnh nhi trước đó để sử dụng kháng sinh, bổ sung thêm thuốc tăng cường miễn dịch cho trẻ.

"Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt, tiêu chảy, được điều bị ngay kháng sinh đặc trị Whitmore, sốt giảm đi một chút nhưng sau 3 - 4 ngày diễn biến rất nhanh, suy đa tạng, xuất huyết nhiều cơ quan của cơ thể và em bé đã không thể qua khỏi hôm 16/11", TS Tuấn cho biết.

Theo TS Tuấn, bệnh nhi này đã được đo chức năng bạch cầu, xét nghiệm miễn dịch chưa tìm ra bất thường. Hiện mẫu máu của bệnh nhi vẫn được giữ lại để có thể phối hợp với các nước phân tích gen tìm yếu tố bất thường.

"Với 35 năm công tác, đây là lần đầu tiên gặp trường hợp gia đình có đến 2 anh em ruột tử vong liên quan đến vi khuẩn Whitmore. Chị gái đầu tuy không có bằng chứng nhưng cũng nghĩ nhiều đến nguy cơ này", TS Tuấn cho biết.

Trong khi đó, nhiễm Whitmore thông thường giống các nhiễm khuẩn khác, không khác biệt. Có hai nhóm kháng sinh mạnh phủ vi khuẩn Whitmore rất hiệu quả. Tuy nhiên đáp ứng miễn dịch của hai anh em này đều rất kém, diễn biến nặng lên và tử vong.

Được biết, hiện Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội đã có một đội cơ động về điều tra dịch tễ, môi trường và con người cũng như có hướng dẫn cho gia đình, địa phương về phương thức vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi.

Kết quả điều tra tại gia đình các cháu bé nói trên cho thấy, gia đình có 7 người, trong đó bố mẹ của các cháu đều là công nhân, còn ông bà làm nông nghiệp và đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc loại vi khuẩn nguy hiểm này.

Cơ quan chức năng địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nghi mắc bệnh tương tự.

Tại các cơ sở y thế thời gian vừa qua, liên tiếp có các trường hợp mắc và tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Bệnh Whitmore không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người, tuy là một bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao. Hiện bệnh đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp, thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp-xe cơ, bệnh hệ thống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.

Hồng Hải