Hà Nội: Thiếu niên tràn dịch tinh hoàn sau khi chữa sốt xuất huyết tại nhà

Minh Nhật

(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo nhiều người nghĩ rằng con hết sốt là đã khỏi bệnh, trong khi đó, đây có thể là giai đoạn giảm tiểu cầu nguy hiểm.

Tràn dịch màng phổi, tinh hoàn vì sốt xuất huyết

Sau 5 ngày bị sốt liên tục được gia đình tự điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm mà còn nặng hơn, nam thiếu niên 14 tuổi (sống tại Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn để cấp cứu.

Theo BS Vũ Thị Mai - Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, vào thời điểm nhập viện, bệnh nhi này có nhiều triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết như: sần nốt dày, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen.

Hà Nội: Thiếu niên tràn dịch tinh hoàn sau khi chữa sốt xuất huyết tại nhà - 1

Các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn.

"Đáng chú ý, thời điểm này, bệnh nhi còn có tình trạng tràn dịch ổ bụng, tinh hoàn và màng phổi. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi được điều trị tích cực. Sau khi tiến triển tốt, cháu được chuyển xuống phòng chăm sóc bình thường", BS Mai cho hay.

Đáng chú ý tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đang tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, hầu hết ở độ tuổi 5 - 14 tuổi.

Từ các trường hợp diễn biến nặng đang được điều trị tại Khoa, BS Mai khuyến cáo, mặc dù sốt xuất huyết có thể theo dõi điều trị tại nhà, bởi bệnh diễn biến có tính chu kỳ và có thể tự khỏi nhưng tuyệt đối không chủ quan.

Hà Nội: Thiếu niên tràn dịch tinh hoàn sau khi chữa sốt xuất huyết tại nhà - 2

BS Vũ Thị Mai - Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng cần được nhập viện để theo dõi và điều trị. Do đó, điều quan trọng là các vị phụ huynh cần theo dõi sát các diễn biến của trẻ.

"Nếu con đau bụng, nhịp tim nhanh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Đặc biệt, trong ngày thứ 4 của chu kỳ nên cho con đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu để kịp thời có biện pháp chăm sóc", BS Mai chia sẻ, "Để tránh những biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết, khi trẻ sốt kéo dài đến ngày thứ 4 với các trường hợp thông thường thì nên cho con đi khám, còn với những trẻ mệt nhiều nên cho con đi khám ngay để phát hiện kịp thời bệnh và điều trị đúng theo phác đồ".

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cảnh báo việc bố mẹ chủ quan nghĩ rằng con hết sốt là đã khỏi bệnh. Trong khi đó, đây có thể là giai đoạn giảm tiểu cầu nguy hiểm.

Tăng nhanh ca mắc mới

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp trên toàn địa bàn Hà Nội trong những tuần vừa qua, với số ca mắc tăng dựng đứng.

Cụ thể, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy, trong tuần 37 toàn Thành phố ghi nhận 760 ca mắc, 1 ca tử vong, số mắc tăng 38,9% so với tuần trước (547).

Hà Nội: Thiếu niên tràn dịch tinh hoàn sau khi chữa sốt xuất huyết tại nhà - 3

Biểu đồ ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Bệnh nhân ghi nhận tại 29 quận/huyện; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Bắc Từ Liêm (58), Thanh Oai (58), Đống Đa (55), Đan Phượng (50), Hà Đông (50), Thường Tín (50), Thanh Trì (41), Nam Từ Liêm (37).

Cộng dồn năm 2022, Thủ đô đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện tại còn 118 ổ dịch đang hoạt động, tại 26 quận, huyện, trong đó 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: ổ dịch thôn Vực, Thanh Liệt, Thanh Trì (55), ổ dịch thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (56).

Đáng chú ý, theo CDC Hà Nội, hầu hết các ca tử vong được ghi nhận đều có đặc điểm phát hiện muộn, đến viện muộn. Ngoài ra, các bệnh nhân đa phần đều kèm theo bệnh nền.