Hà Nội: Thêm nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm bị đóng cửa

(Dân trí) - Ngày 17/4, ngày làm việc thứ hai của 5 đoàn kiểm tra, xét nghiệm lưu động về ATVSTP. Lại thêm nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm bị đình chỉ vì không đủ điều kiện vệ sinh.

Sáng nay, đoàn kiểm tra do bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện phó Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư làm trưởng đoàn đã tiến hành “thị sát” một số điểm kinh doanh trên địa bàn Hoàng Mai và hầu hết đều có sai phạm.

Ngay tại khu nhà ăn của Bến xe Giáp Bát, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất rõ ràng. Thức ăn được bày trên bàn mà không có tủ kính che đậy. Đây lại là khu vực đông người nên ruồi nhặng nhiều, dù quạt được bật vù vù nhưng không thể xua đuổi lũ ruồi nhặng thản nhiên đậu vào thức ăn.

Khu vực chế biến thức ăn rất lộn xộn, thùng rác lộ thiên, 4/6 nhân viên thiếu trang phục… Tại nhà ăn này cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP…

Còn ngay tại ki ốt số 1, bến xe Giáp Bát, đường Giải Phóng, đoàn cũng phát hiện cơ sở vi phạm các tiêu chí ATVSTP như không có phương tiện che đậy thức ăn, thực phẩm chín, sống để lẫn lộn, nhân viên không đủ trang phục, không xuất trình được giấy khám sức khỏe cho nhân viên...

Vì thế, đoàn đã quyết định đình chỉ hoạt động của 2 cơ sở này, chỉ khi nào khắc phục được những tồn tại trên mới được phép tái kinh doanh.

Bà Hạnh cho rằng, với các điều kiện vệ sinh như trên đây có thể là nguồn gây bệnh cho hành khách, khiến dịch tiêu chảy cấp tiếp tục lan ra các tỉnh phía Nam. Vì đây là một bến xe lớn của Hà Nội, mỗi ngày có tới gần 900 xe xuất bến với hàng nghìn lượt người đi, đến, trong đó có không ít hành khách có sử dụng thực phẩm tại đây. Với điều kiện mất vệ sinh như vậy, việc mang vi khuẩn đi khắp nơi là khó tránh khỏi.

Đoàn cũng đã lấy 45 mẫu gồm: rau, thịt, thức ăn đường phố, nước rửa tay, mẫu thớt… tại các chợ và cửa hàng ăn khu vực bến xe phía Nam (phường Giáp Bát) để xét nghiệm.

Cũng trong sáng nay, đoàn kiểm tra và xét nghiệm lưu động VSATTP của Bộ y tế do ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và môi trường làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra chợ huyện Sóc Sơn. Vừa bước vào cổng chợ, nhiều người đã phải chun mũi vì mùi hôi thối rất đặc trưng của cống rãnh bị tồn đọng, của thực phẩm rơi vãi lâu ngày không được quét dọn.

Đặc biệt, tại khu mua bán thịt lợn tình trạng ô nhiễm rất nặng nề. Sàn chợ thì ẩm ướt, nước đọng từng vũng, ruồi nhặng bay vù vù, dù người bán hàng phải cầm giấy, quạt, giẻ để đuổi chúng đi nhưng không xuể.

Còn tại khu chế biến, kinh doanh thực phẩm chín, cảnh mất vệ sinh cũng tái diễn. Các hàng trong chợ rửa bát đũa, cốc chén trong những chậu nước bé xíu, đục ngầu và váng mỡ. Không những thế, các quầy thực phẩm sống cũng được bán xen kẽ ở khu vực này, rất mất vệ sinh. Hầu như không quầy hàng ăn chín nào đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Được biết, các hộ kinh doanh ở đây mỗi tháng đều phải nộp 40.000đ tiền phí vệ sinh nhưng không thấy Ban quản lý chợ cho người đến dọn dẹp. Vì thế, mạnh ai người đó làm, chỉ quét dọn tại quầy hàng của mình nhưng lại ùn từng đống rác thải ngay trước quầy, nên mùi hôi thối, ruồi nhặng nhiều vô kể. Đáng nói là cống rãnh bị tắc luôn tràn nước nên nền chợ luôn ướt nhẹp.

Ðoàn đã yêu cầu Ban quản lý chợ phải vệ sinh sạch sẽ khuôn viên chợ, vệ sinh cống rãnh. Đặc biệt, tại khu bán thịt lợn phải ngừng kinh doanh để vệ sinh môi trường. Ông Nga cũng nhắc nhở Ban chỉ đạo VSATTP huyện Sóc Sơn cần phải theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh thực phẩm tại chợ. Nghiêm khắc xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, đóng cửa, không cho phép kinh doanh.

Hồng Hải