Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh

(Dân trí) - Căn bệnh nguy hiểm sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi đốt đang có xu hướng tăng mạnh tại Hà Nội khi chỉ riêng trong tháng 7, số ca mắc chiếm trên 50% tổng số ca sốt xuất huyết ghi nhận từ đầu năm đến nay.

29 quận huyện có bệnh nhân SXH

Ngày 12/8, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 693 ca sốt xuất huyết rải rác ở 164 xã, phường của 29 quận, huyện, trong đó không có ca tử vong.

“Mùa dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bất đầu từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Vì thế, ở thời điểm này tại Hà Nội đang là mùa dịch nên số bệnh nhân bắt đầu có xu hướng ra tăng. Trong khi tháng 1 chỉ ghi nhận 21 ca SXH, tháng 2 là 1 ca, tháng 3, tháng 4 mỗi tháng 15 ca thì từ tháng 5, số bệnh nhân bắt đầu tăng lên với 69 ca.

1-sxh-ac4a5

Đặc biệt, từ tháng 6 số bệnh nhân đã tăng gấp gần 3 lần ca mắc trong tháng 5 với 168 ca và đỉnh điểm là tháng 7 là với 357. Số mắc giảm so với cùng kỳ năm có dịch (năm 2009), chỉ chiếm 38% nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh có tính chất tản phát, chưa xuất hiện ổ dịch tập trung, phức tạp”, TS Cảm cho biết.

Cũng theo ông Cảm, qua điều tra dịch tễ ghi nhận SXH chủ yếu gặp ở người lớn, ở trẻ em dưới 15 tuổi tỉ lệ mắc rất thấp, chỉ chiếm 13%. Tại Hà Nội, ở các quận nội thành như quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện ven nội đang đô thị hóa nhanh như Thanh Trì tập trung số bệnh nhân đông nhất.

Còn trong cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 19.753 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong, trong đó nhiều tỉnh/ thành phố có số mắc lũy tích tăng cao so với cùng kỳ 2014 như TP.HCM, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Tại Hà Nội, hiện đã ghi nhận 362 ca SXH tại 25/30 quận/ huyện/ thị xã.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, so với giai đoạn 2010 - 2014, số người mắc SXH năm 2015 giảm đáng kể song diễn biến của dịch vẫn khá phức tạp, nhất là tại khu vực phía Nam. Đặc biệt, dịch SXH thường bùng phát mạnh vào mùa mưa.

Gia tăng vì chu kỳ dịch?

Dù hiện nay dịch SXH vẫn là tản mác, không có ổ dịch lớn, số ca mắc vẫn ở diện khống chế nhưng các chuyên gia cũng lo ngại số ca mắc SXH mới trong năm nay tại Hà Nội sẽ gia tăng bởi bước vào chu kỳ dịch.

“Qua theo dõi hình dịch SXHD nhiều năm tại Hà Nội, ngành Y tế Hà Nội đã dự báo năm 2014, 2015 có thể gia tăng số mắc bệnh vì là chu kì dịch (sau 4-5 năm tính từ năm 2009 là năm có dịch lớn tại Hà Nội)”, TS Cảm nói.

Để ứng phó với nguy cơ này, ngành y tế Hà Nội đã kịp thời tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Thành phố và các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch bệnh. Tuyên truyền cho người dân về bệnh sốt xuất huyết và các biện phòng chống bằng nhiều hình thức; giám sát phát hiện kịp thời các ca bệnh hoặc người nghi mắc bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại tận hộ gia đình; phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành diện rộng nhằm  khống chế không để dịch bùng phát và lây lan...

Tuy nhiên, khi đi tuyên truyền, phun thuốc muỗi một số hộ gia đình, người dân không hợp tác trong công tác phòng chống dịch như: Không mở cửa cho CBYT vào nhà kiểm tra VSMT diệt bọ gậy hoặc phun hoá chất diệt muỗi; không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh; Không chủ động và thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình. Bên cạnh đó, kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế, ví dụ: Nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi; Nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, coi nhẹ việc VSMT, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình.

Trong khi đó, thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân khiến tác nhân truyền bệnh SXH có cơ hội phát triển. Như người dân vẫn có tập quán trữ nước nhưng không thả cá diệt bọ gậy. Hay lọ hoa trên bàn thờ, lọ hoa để lâu ngày, nước đọng ở chậu cây cảnh ngoài sân chứa đầy bọ gậy, chai lọ, vở lon nước ngọt... vứt ra ngoài vườn cũng có thể ứ đọng nước và là nơi sinh sôi lý tưởng của muỗi truyền SXH.

Về các tuýp SXH đang lưu hành, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết hiện cả 4 tuýp SXH đang lưu hành và không có miễn dịch chéo nên đã mắc SXH tuýp này vẫn có nguy cơ mắc SXH tuýp khác và lần sau thường biểu hiện nặng hơn lần trước.

Vì thế, để phòng bệnh sốt xuất huyết cho chính bản thân và cho những người xung quanh, mỗi gia đình cần chủ động diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà, cần thay đổi thói quen không trữ nước trong nhà, đổ lọ nước bình hoa, cây cảnh, dọn quang vườn tược, không để mảnh vỡ, vỏ chai lọ chứa nước trong vườn... đều là nơi trú ngụ của bọ gậy phát triển thành muỗi gây bệnh; ngủ màn; hợp tác với CBYT khi có bệnh nhân hoặc ổ dịch. Đặc biệt khi có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám điều trị kịp thời tránh tử vong.

Hồng Hải