Hà Nội: Nam thanh niên vô sinh vì bệnh quai bị từng mắc năm 17 tuổi

Minh Nhật

(Dân trí) - Qua khai thác bệnh sử, nam thanh niên cho biết, năm 17 tuổi bị quai bị sưng đau xuống tinh hoàn.

Không có tinh trùng vì mắc quai bị lúc trẻ

Nam thanh niên 25 tuổi đến khám vô sinh hiếm muộn vì lập gia đình được 2 năm nhưng chưa có con. Bệnh nhân này cho biết, 2 năm qua mặc dù vợ chồng quan hệ đều đặn, nhưng tin vui vẫn chưa đến với gia đình.

Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân) chia sẻ: "Qua khai thác bệnh sử, nam thanh niên cho biết, năm 17 tuổi bị quai bị sưng đau xuống tinh hoàn, gia đình đưa cậu đi khám tại bệnh viện tỉnh.

Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị giảm đau, kháng viêm, tình hình sưng đau tinh hoàn dịu đi khá nhanh. Sau điều trị vài hôm, bệnh nhân được ra viện. Bạn trẻ đơn thuần nghĩ bệnh tật đã khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng gì".

Hà Nội: Nam thanh niên vô sinh vì bệnh quai bị từng mắc năm 17 tuổi - 1

BS Phan Chí Thành thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BS cung cấp).

Tuy nhiên, đến hiện tại, khi thăm khám BS Thành phát hiện toàn bộ hai tinh hoàn của bệnh nhân đã teo nhỏ. Tiến hành xét nghiệm thì không còn tinh trùng trong tinh dịch.

"Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh của đôi bạn trẻ. Cụ thể, tinh hoàn không còn sản sinh được tinh trùng sau tình trạng viêm tinh hoàn sau quai bị. Đối với trường hợp này, rất có thể bạn trẻ sẽ phải xin tinh trùng của người khác nếu mong muốn có con", BS Thành chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho biết rằng, qua thực tế lâm sàng đã từng gặp nhiều người trưởng thành mắc quai bị. Nguy cơ quai bị gây tổn thương tinh hoàn ở người trưởng thành khá cao, chiếm tới 20-30%, có thể gây tổn thương một bên hoặc cả 2 bên tinh hoàn.

Trong trường hợp này, hậu quả thường rất nghiêm trọng, có thể gây tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn, làm mất khả năng sinh tinh của tinh hoàn.

Phòng ngừa nguy cơ vô sinh khi mắc quai bị

Trước khi mắc quai bị, theo BS Thành, đối với các bạn nam trẻ tuổi, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cần tiến hành kiểm tra mình đã tiêm vaccine quai bị hay chưa, cũng như mũi tiêm trước đó còn tác dụng hay không?

Có thể tiến hành kiểm tra bằng cách: Xét nghiệm máu kiểm tra xem có kháng thể chưa. Nếu chưa có thì cần tiêm vaccine sớm.

Hà Nội: Nam thanh niên vô sinh vì bệnh quai bị từng mắc năm 17 tuổi - 2

Các bệnh nhân có tổn thương tinh hoàn do quai bị cần được tư vấn bảo tồn khả năng sinh sản càng sớm càng tốt

 "Quai bị là bệnh có thể phòng ngừa được rất tốt và hầu hết ngày bé ai cũng đã được tiêm vaccine. Việc nhiều người trưởng thành mắc quai bị một phần do bản thân không biết mình đã được tiêm vaccine hay chưa, một phần là do nhiều người chủ quan không tiêm mũi nhắc lại", BS Thành nói.

Trong trường hợp người bệnh phát hiện mình đã mắc quai bị, theo BS Thành, cần được điều trị triệt để, hạn chế hậu quả đáng tiếc xảy ra như: tổn thương tinh hoàn, tinh trùng…

"Khi phát hiện bản thân mắc quai bị, cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị kịp thời. Một vấn đề nữa là các bệnh nhân có tổn thương tinh hoàn do quai bị cần được tư vấn bảo tồn khả năng sinh sản càng sớm càng tốt", BS Thành cho hay.

Theo BS Thành, cần lưu trữ, bảo quản tinh trùng càng sớm càng tốt, để có thể giữ những tinh trùng còn lại trong tinh hoàn trước khi bị thoái hóa viêm teo do quai bị. Sau này các bác sĩ hỗ trợ sinh sản có thể sử dụng các tinh trùng này để hỗ trợ bệnh nhân có con.