Hà Nội: Gia tăng bệnh nhi mắc tay chân miệng
(Dân trí) - So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ. Từ đầu năm toàn thành phố ghi nhận gần 230 trẻ mắc tay chân miệng, chủ yếu nhóm trẻ từ 1-3 tuổi.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, Hà Nội cho biết, trong 230 trường hợp mắc tay chân miệng này đa phần các trường ở mức độ nhẹ, theo dõi điều trị tại nhà. Hiện chỉ còn 26 trẻ đang nằm viện điều trị. Bệnh ghi nhận tản phát, không có ổ dịch tập trung, lứa tuổi mắc chủ yếu là dưới 5 tuổi.
Còn trong cả nước, trong 2 tháng đầu năm 2015, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận số mắc tăng tại các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau; bệnh tay chân miệng ghi nhận số mắc tăng tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Ngày 11/3 PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã kí công điện về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng. Bộ Y tế đề nghị tại các địa phương, các cấp chính quyền cần phối hợp, huy động quần chúng nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Cần duy trì hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch theo chỉ định của ngành Y tế. Vận động cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng.
Đặc biệt trong ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; hướng dẫn các em học sinh tham gia vào các hoạt động loại trừ lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ dưới 5 tuổi.
Các bệnh viện cũng cần chuẩn bị thuốc men, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống; chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có đông bệnh nhân và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Vì thế, để phòng bệnh cần thực hiện đầy đủ các nguyên tắc Vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng trước, sau ăn, khi chế biến thực phẩm, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ...); Vệ sinh ăn uống bằng cách ăn chín uống sôi, khử trùng bát đũa, dụng cụ cá nhân; Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Hồng Hải