Hà Nội: F0 "tự xoay xở" sau hơn chục cuộc gọi vẫn chưa được cấp thuốc
(Dân trí) - Theo số liệu tính đến ngày 6/1, Hà Nội hiện có 35.547 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong số đó có 25.792 F0 được theo dõi và điều trị tại nhà.
Hơn chục cuộc gọi vẫn chưa được cấp thuốc điều trị
Sau 3 ngày nghỉ Tết, anh Đ.Q.T., một nhân viên văn phòng hiện sinh sống tại một quận nội thành Hà Nội xuất hiện tình trạng người đau nhừ, cơ thể lúc nóng, lúc lạnh.
Cảm thấy bất an, anh T. tự làm test nhanh Covid-19 thì bất ngờ cho kết quả "2 vạch".
"Việc đầu tiên tôi làm là tìm nơi xét nghiệm PCR. Sau khi lên mạng tìm kiếm thông tin rồi qua bạn bè giới thiệu, tôi gọi được một đơn vị đến nhà lấy mẫu. Việc thứ hai là lên mạng tìm kiếm các số đường dây nóng, gọi tổng đài 1022 ấn phím 2, rồi ấn phím 3 đủ cả nhưng không nhận được sự hồi âm", anh T. chia sẻ.
Sau đó, anh T. tiếp tục tìm số điện thoại của trung tâm y tế quận, trạm y tế phường để báo về kết quả test nhanh dương tính. Sau một hồi, anh T. kết nối được với một cán bộ ở quận và được người này cung cấp một số điện thoại khác để gặp cán bộ y tế phường ở nơi cư trú.
"Gọi theo số điện thoại được quận cho, tôi được một chị thông báo là cứ gọi trực tiếp đến số các bạn ở trạm y tế phường. Nếu thấy máy bận thì có thể cứ gọi đi gọi lại. Nhưng mọi cuộc gọi trong suốt hôm đó tới trạm y tế đều báo đường dây bận", anh T. cho hay.
Cố gắng liên lạc bằng nhiều cách, cuối cùng anh T. đã kết nối được với một nhân viên y tế. Tuy nhiên, sau khi khai báo các thông tin về bệnh nền, tiền sử tiêm vaccine,… anh T. vẫn chưa được hướng dẫn điều trị, cấp thuốc vì… phải chờ kết quả PCR.
Sang ngày hôm sau, anh T. có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, gửi kết quả đến cán bộ tiếp nhận thông tin ở phường, anh T. cũng chỉ được thông báo "trường hợp của anh, em sẽ báo lên quận".
Sau một ngày đầu sốt, đau người, đến chiều và đêm ngày thứ hai ho nhiều, sang đến ngày thứ ba, sức khỏe anh T. ổn định hơn, không còn đau đầu và ho nhiều nữa. Tuy nhiên, 3 ngày trôi qua, thực hiện hơn chục cuộc gọi, anh T. chưa hề nhận được hướng dẫn điều trị từ cán bộ y tế hay bất kì túi thuốc nào.
"Trong thời gian tự "xoay xở", tôi có vào Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà để tìm hiểu thông tin. Tôi chỉ uống các loại vitamin tổng hợp, uống nhiều nước, ăn hoa quả. Rất may là đến bây giờ sức khỏe đã ổn định", anh T. chia sẻ.
Chung cảnh "tự xoay xở", bà T.T.T. sống tại Hà Nội có chồng phát hiện dương tính SARS-CoV-2 qua test nhanh từ ngày 1/1; đến ngày 3/1, bà T. cũng có kết quả dương tính. Sau khi tự cách ly tại phòng riêng, vợ chồng bà T. cố gắng liên hệ với y tế phường nhưng không có sự chỉ dẫn cụ thể. Do đó, bà T. đành phải lên các hội nhóm tư vấn điều trị F0 để được trợ giúp.
Tuy nhiên, bà T. cũng bày tỏ sự thông cảm với việc chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ y tế cơ sở, vì cho rằng các cán bộ y tế đang quá tải.
Tình trạng F0 tại Hà Nội khó tiếp cận được thuốc điều trị tại nhà từ y tế cơ sở không phải là trường hợp hy hữu. Tình trạng này càng phổ biến ở các quận nội thành, nơi số F0 đang tăng rất nhanh từng ngày.
Trong các hội nhóm tư vấn điều trị F0 tại nhà, cũng không khó để tìm thấy các bài viết của F0 tìm sự trợ giúp về hướng dẫn điều trị, vì chậm được hỗ trợ từ y tế cơ sở.
Hơn 25.000 F0 tại Hà Nội đang điều trị tại nhà
Theo số liệu tính đến ngày 6/1, Hà Nội hiện có 35.547 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong số đó có 25.792 F0 được theo dõi và điều trị tại nhà.
Trao đổi với Dân trí, giám đốc trung tâm y tế một quận nội thành Hà Nội cho hay, lực lượng nhân sự của y tế cơ sở rất mỏng, trong khi đó số F0 tăng nhanh nên khó tránh khỏi tình trạng một số trường hợp chậm đáp ứng.
"Mỗi trạm y tế phường chỉ có 7 - 8 cán bộ, chỉ riêng việc triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 đã khó khăn", vị lãnh đạo này cho hay.
Tuy nhiên, theo vị này, từ khi Bộ Y tế có hướng dẫn cho phép công nhận kết quả test nhanh để khẳng định F0, việc tiếp cận điều trị và cấp phát thuốc cho F0 cũng được thực hiện nhanh hơn trước.
Thêm vào đó, trong thời gian một tuần trở lại đây, Đoàn thanh niên của quận tham gia Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 cộng đồng, đã giúp giảm tải khối lượng công việc của lực lượng y tế cơ sở.
Việc tỷ lệ bao phủ vaccine tại Thủ đô ở mức rất cao cũng đã giúp hạn chế số lượng F0 chuyển nặng, từ đó giảm bớt một phần việc cho lực lượng điều trị.
Theo hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, có 4 lực lượng chính tham gia quản lý, theo dõi F0 tại nhà bao gồm: trung tâm y tế; trạm y tế, trạm y tế lưu động; tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19; mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.