1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gương mặt Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2019:

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và bốn thập kỷ phẫu thuật nhi với những dấu ấn không thể quên

(Dân trí) - Tròn 40 năm theo đuổi chuyên ngành phẫu thuật nhi, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm vẫn giữ niềm đam mê cháy bỏng, đồng thời ông khai phá một lĩnh vực mới mẻ, nghiên cứu về ghép tế bào gốc và gen. Ông hiểu rằng, thành quả của nghiên cứu khoa học có thể thay đổi số phận của hàng triệu bệnh nhân.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và bốn thập kỷ phẫu thuật nhi với những dấu ấn không thể quên - 1

GS Nguyễn Thanh Liêm là một trong 10 người được trao tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú năm 2019.

Cùng với 9 gương mặt tiêu biểu khác, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm vừa được trao danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2019 trong Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu ngày 5/10 vừa qua tại Hà Nội.

Người đặt nền móng cho phẫu thuật nội soi nhi Việt Nam

Trước đây, với những phẫu thuật mang đậm dấu ấu cá nhân của ông,  những cải tiến kĩ thuật để tăng hiệu quả điều trị khiến thế giới nể phục, thì nay, ông tiếp tục dấn thân vào điều trị tự kỉ bằng tế bào gốc với niềm mong mỏi chữa khỏi bệnh cho những em bé không bao giờ “lớn”, để đem lại tiếng cười, niềm hạnh phúc, những âu lo không hằn trên gương mặt của những ông bố, bà mẹ có con tự kỉ.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và bốn thập kỷ phẫu thuật nhi với những dấu ấn không thể quên - 2

Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm

Đến giờ, sau 40 năm gắn bó với chuyên ngành phẫu thuật nhi, GS Liêm cho biết ông chưa bao giờ thấy sai lầm vì lựa chọn chuyên ngành này.

Trong 40 năm cầm dao mổ, GS Liêm đã thực hiện hàng nghìn ca mổ nhưng những ca phẫu thuật tách trẻ song sinh dính liền vẫn là một dấu ấn không thể quên. Ông đã trải qua hai ca mổ tách hai bé sinh đôi dính nhau Nghĩa – Đàn; Cúc – An…

"Với một ca mổ như thế, tôi tự thấy không được phép thất bại. Sau phẫu thuật, tôi lo lắng đến cả tháng trời, kể cả giữa đêm khuya hay rạng sáng, hay là khi đi công tác nước ngoài, tôi vẫn phải gọi điện cho các bác sĩ, y tá theo dõi sức khoẻ sau hậu phẫu để dặn dò mỗi ngày. Đến giờ, Cúc - An đã bước vào tuổi 18, tôi vẫn dõi theo thông tin về các cháu, đó là một niềm vui giản dị của những người thầy thuốc", GS Liêm vui mừng chia sẻ.

 “Lựa chọn phẫu thuật nhi, có lẽ là do chính cá tính con người tôi, luôn thích cái mới, sáng tạo. Thời điểm đó, chuyên ngành phẫu thuật nhi còn rất mới ở Việt Nam. Tại Viện Nhi TƯ, chuyên ngành phẫu thuật nhi mới có 3 - 4 người. Vì thấy đây là lĩnh vực mới, hầu như chưa có ai khám phá nên quyết định lựa chọn”, GS Liêm chia sẻ.

2 (1).JPG

GS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ niềm vui với gia đình bé Hoàng Thiên đã khỏi bệnh xơ phổi sau khi ghép tế bào gốc.

Từ khi chính thức bước vào lĩnh vực phẫu thuật nhi từ năm 1979, BS Nguyễn Thanh Liêm - khi đó còn là một bác sĩ nội trú trẻ đã luôn trăn trở, làm sao để cải tiến những kỹ thuật mổ để các bệnh nhi nhỏ bé nhanh lành bệnh, đỡ chịu những đau đớn.

“Nhìn các em nhỏ 2 - 3 tuổi nhưng còi cọc vì bệnh tật, đau đớn cả tháng trời với vết mổ to, vừa lại lại người thì lại chuẩn bị bước vào cuộc mổ tiếp theo… Trong một năm mà phải đại phẫu đến 3 lần, các bé đều khiếp đảm khi nhìn thấy bác sĩ, còn bác sĩ khi nhìn thấy các em cũng không khỏi cầm lòng vì bé nhỏ thế mà phải chịu đựng đau đớn của những cuộc đại phẫu liên tiếp”, GS Liêm trầm ngâm khi nhớ lại những ngày đầu bước chân vào phẫu thuật nhi.

Cùng với sự thương cảm nỗi đau mà các bệnh nhi phải gánh chịu là phương châm hành động: “Đừng bao giờ coi một phương pháp mổ đã là lý tưởng. Mỗi ngày, khi mổ xong cho bệnh nhi tôi luôn suy nghĩ xem có cách nào làm tốt hơn không, có cách nào có thể làm giảm thời gian, có cách nào làm bệnh nhân chóng hồi phục không, có kết quả điều trị tốt hơn không?"

Chính vì những trăn trở đó, những suy nghĩ đó, GS Liêm đã mạnh dạn cải tiến nhiều kỹ thuật với mục tiêu mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cũng như thời gian nằm viện ngắn nhất cho bệnh nhi.

Ví dụ kỹ thuật mổ phình đại tràng bẩm sinh, đây là bệnh giãn to ruột già khiến trẻ không đi đại tiện được. Để chữa căn bệnh này, trước đây Việt Nam mổ rất vất vả, biến chứng nhiều. Sau khi được cải tiến, kỹ thuật mổ đã tốt hơn nhưng để điều trị căn bệnh này cho một bệnh nhi phải mất cả năm trời với 3 lần mổ, mỗi lần cách nhau khoảng 3 - 4 tháng. “Thấy thời gian phải vào viện, phẫu thuật quá nhiều với bệnh nhi, tôi đã quyết định giảm xuống mổ còn 2 lần cho bệnh nhi. Dù giảm được một lần mổ đã là rất quý với trẻ, nhưng tôi vẫn không hài lòng, nghĩ rằng vẫn có thể rút xuống 1 lần mổ. Rồi 1 lần mổ tôi vẫn chưa hài lòng, phải tìm ra cách giảm sang chấn hơn cho bệnh nhi bằng mổ nội soi”, GS Liêm nói.

Và với ca phẫu thuật nội soi bệnh phình đại tràng bẩm sinh năm 1997, GS Liêm đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực tiến hành phẫu thuật nội soi ở trẻ em (Singapore tiến hành từ năm 1999). Ông trở thành người đặt nền móng cho phẫu thuật nội soi trẻ em Việt Nam, trở thành giáo sư trong lĩnh vực nội soi nhi mà bạn bè quốc tế nể phục.

Với phương pháp phẫu thuật chữa thoát vị cơ hoành qua nội soi, GS Liêm cũng khiến bạn bè thế giới bất ngờ bởi quyết định táo bạo và “liều lĩnh”.

Không chỉ can thiệp nội soi chữa thoát vị cơ hoành cho trẻ nhỏ, mà ông còn thành công hơn một bước khi thực hiện phẫu thuật này trên trẻ sơ sinh đang thở máy cao tần. Thế giới rất kinh ngạc trước thành công này của Việt Nam.

“Trước đây để chữa trị, người ta mổ ngang đường bụng, cắt cơ vì thế nguy cơ sang chấn, tử vong cao. Tôi suy nghĩ mãi, liệu có phương pháp mổ nào giảm tác động hơn không và rồi tôi quyết định thực hiện ca can thiệp nội soi chữa thoát vị cơ hoành qua nội soi, ca đầu tiên được thực hiện thành công năm 2000 ở trẻ lớn. Vậy ở trẻ nhỏ hơn, có sử dụng được phương pháp này để tránh cho trẻ một cuộc đại phẫu?”, GS Liêm nói.

Và ông đã tìm ra câu trả lời, không chỉ can thiệp nội soi chữa thoát vị cơ hoành cho trẻ nhỏ, mà ông còn thành công hơn một bước khi thực hiện phẫu thuật này trên trẻ sơ sinh đang thở máy cao tần. Thế giới rất kinh ngạc trước thành công này của Việt Nam. Bởi năm 2003, một tác giả của Mỹ cũng báo cáo về phương pháp này nhưng khuyến cáo là không nên làm ở trẻ sơ sinh và Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại. Đến nay đã phẫu thuật được gần 300 trường hợp thì có 70% là trẻ sơ sinh, tỉ lệ thành công lên đến 90%. Trong khi đó  tại nước Anh số trẻ được mổ bằng nội soi lồng ngực hiện còn rất ít.

“Cụm công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi trẻ em” của GS Liêm đã được trao giải thành tựu trọn đời lĩnh vực Y Dược - Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2012 do báo Dân trí tổ chức.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và bốn thập kỷ phẫu thuật nhi với những dấu ấn không thể quên - 4

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trao giải cho GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giải thưởng Y dược- Nhân tài Đất Việt 2012

Năm 2018, ông là nhà khoa học duy nhất của châu Á được vinh dự nhận giải thưởng Nikkei châu Á trong lĩnh vực khoa học công nghệ vì những đóng góp to lớn trong phát triển phẫu thuật nội soi trẻ em và ghép tế bào gốc điều trị các bệnh nan y.

Năm 2019, GS Nguyễn Thanh Liêm lại ghi thêm một dấu ấn, khi ông là một trong hai nhà khoa học của Việt Nam vừa lọt top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2019.

Trong bài giới thiệu GS Nguyễn Thanh Liêm trên tạp chí Asian Scientist (Singapore) cho biết, trong suốt sự nghiệp của mình, GS Liêm đã không ngừng tìm cách cải tiến các quy trình phẫu thuật hiện có và phát minh ra những phương pháp mới để giảm rủi ro cho bệnh nhân và phát triển lên một tầm cao mới. Ông là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên ở Việt Nam thực hiện một ca phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu cho một em bé vào năm 1997, và cũng đã tiến hành ca ghép thận và gan đầu tiên tại bệnh viện nhi ở Việt Nam.

Một đam mê mới: Tìm câu trả lời cho những ca bệnh khó

Với GS Liêm, con đường nghiên cứu là không có điểm dừng. Năm 2012, sau khi nghỉ công tác quản lý tại Bệnh viện Nhi Trung ương, là một giáo sư hàng đầu thế giới về lĩnh vực phẫu thuật nội soi nhi khoa, GS Liêm lại bắt đầu hành trình ở một lĩnh vực mới, bởi như ông nói, ông là người luôn đam mê cái mới, sự sáng tạo.

Khi những ông bố, bà mẹ đưa đến ông những cô bé, cậu bé bại não, tự kỷ, thoát vị màng tuỷ, teo đường mật bẩm sinh… tim ông như thắt lại. Phẫu thuật nội soi có thể giải quyết, chữa dứt điểm nhiều bệnh lý, nhưng với những bệnh lý này, đâu mới là câu trả lời để điều trị cho các bé?

Hình ảnh những em bé đó luôn hiện hữu trong ông. Ông lục tung sách báo, tài liệu khoa học quốc tế, trao đổi với chuyên gia nước ngoài để tìm câu trả lời cho những ca bệnh bố mẹ các bé mang tới ông.

Để rồi, một tia hi vọng đã loé lên, năm 2014 khi điều trị ghép tế bào gốc cho bệnh nhi 2 tuổi đầu tiên bị bại não do nhiễm trùng máu, thiếu oxy não phải sống thực vật, em bé đã có tiến triển tốt.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và bốn thập kỷ phẫu thuật nhi với những dấu ấn không thể quên - 5
GS Nguyễn Thanh Liêm cùng đồng nghiệp thực hiện lấy tế bào gốc nghiên cứu điều trị.

Tiến triển của em bé là động lực thôi thúc GS Nguyễn Thanh Liêm đề xuất ngay đề tài nghiên cứu cấp nhà nước ghép tế bào gốc cho trẻ bại não với Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong quá trình nghiên cứu, ông lại mở rộng hướng nghiên cứu sang điều trị cho những trẻ não bị tổn thương do chứng vàng da sơ sinh và ghép tế bào gốc cho trẻ bị tự kỷ, teo đường mật bẩm sinh, thoát vị màng não, xơ phổi ở trẻ nhỏ; xơ gan, thoái hóa khớp ở người lớn.

Mới đây nhất, tạp chí di truyền quốc tế uy tín Human Mutation (IF 4,5) vừa công bố “Nghiên cứu về bộ gen của người Việt” do các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec (VRISG) mà ông là trưởng nhóm nghiên cứu.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho rằng đây là một dữ liệu bộ gen người Việt lớn nhất, đầy đủ nhất từ trước đến nay. Nó như cuốn từ điển  đầy đủ nhất tra cứu về hệ thống dữ liệu gen người Việt tính đến thời điểm hiện tại. Trước đó, các nhà khoa học trong nước thường phải tham chiếu bộ gen từ quần thể người nước ngoài.

“Dữ liệu về hệ gen liên quan chặt chẽ đến sức khỏe và bệnh học, có thể góp phần giải đáp các vấn đề về ung thư, các bệnh di truyền… nhất là trong xu thế phát triển của Y học cá thể hóa những năm gần đây. Do đó, công trình trên có ý nghĩa quan trọng việc xây dựng phương pháp phát hiện sớm các gen ung thư, chuyển hóa và đáp ứng với thuốc điều trị, các bệnh di truyền, chuyển hóa, thoái hóa thần kinh (Parkinson, Alzeimer..)", GS Liêm cho biết.

Dạy học trò: Luôn đọc sách và đừng suy nghĩ “trong một chiếc hộp”

“Từ phương châm hành động của mình, luôn không bằng lòng với những hiện tại, luôn luôn phải có những cái tốt đẹp hơn, mới hơn, luôn tìm đến những thử thách mới, khám phá mới. Tôi luôn dạy anh em đi sau không bao giờ được đi theo một lối mòn, không bao giờ suy nghĩ trong một cái hộp, đừng bao giờ coi một vấn đề gì đã là giải quyết xong, đừng bao giờ coi một phương pháp mổ đã là lý tưởng”, GS Liêm nói.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và bốn thập kỷ phẫu thuật nhi với những dấu ấn không thể quên - 6

GS Nguyễn Thanh Liêm trong một lần biểu diễn kĩ thuật mổ nội soi tại Ấn Độ.

GS Liêm chia sẻ, năm 32 tuổi, ông đã may mắn được tiếp xúc không khí nghiên cứu khoa học cùng các giáo sư Thụy Điển. “Ở thời tôi tuổi đó là sớm, với các bạn bây giờ thì không còn sớm vì các bạn có điều kiện rộng mở, internet rất phát triển. Khi đó tôi còn làm lâm sàng nên chưa học được nhiều, nhưng sau đó là quá trình tự học. Ra nước ngoài, đến thư viện nào tôi cũng tìm đọc các sách về nghiên cứu khoa học, người ta dạy rất chi tiết, kể cả cách viết 1 bài báo khoa học”, GS Liêm chia sẻ.

Vì thế, GS Liêm cũng “ép” học trò hãy đọc sách nhiều hơn. Thậm chí ông ép học trò mỗi tuần phải gửi 1 bài tóm tắt về vấn đề gì đó để buộc họ đọc sách. Người làm nghiên cứu phải coi đọc sách là nhu cầu bức thiết, không đọc thì thấy bứt rứt không yên, đọc đi đọc lại, đọc nhiều đầu sách cùng một chủ đề, tìm đi tìm lại nội dung nào đó, sẽ có lúc “bật” ra được cái mà người khác chưa thấy.

GS Liêm năm nay 67 tuổi nhưng vẫn giữ nguyên sự nhanh nhẹn của một người đàn ông trung niên. Ông thức dậy mỗi ngày lúc 5 giờ sáng, dành thời gian vận động nhẹ, đọc sách trước khi tới viện, bắt đầu một ngày dài làm việc khiến sức trẻ của nhiều người cũng phải ngưỡng mộ. Với ông, bước chân vào ngành y là không ngừng học hỏi, học không bao giờ là muộn, không bao giờ là đủ, học sẽ là chặng đường dài phải đi liên tục. Trên chặng đường đó, mỗi người sẽ tự khám phá, phát hiện những điều mới mẻ để tiếp tục là động lực tìm lời giải cho những câu hỏi khó trong y khoa.

Đến nay, GS Liêm đã có hơn 200 công trình nghiên cứu y học, trong đó có 75 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và Châu Âu, ông cũng là bác sĩ đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá Nikkei Châu Á về khoa học – công nghệ năm 2018. Đặc biệt, ông đã được mời viết kỹ thuật mổ Nội soi u nang ống mật chủ cho 2 quyển sách giáo khoa phẫu thuật nhi thế giới: “Operative Pediatric Surgery” xuất bản tại Anh năm 2013 và “Ashcraft’s Pediatric Surgery” xuất bản tại Mỹ năm 2014. Ông là 1 trong 2 giáo sư duy nhất của châu Á được là đồng tác giả của cuốn” Operative Pediatric Surgery”.

Hồng Hải- Bảo Trung