Giúp người bị tai nạn trên đường như thế nào?

(Dân trí) - Ở hầu hết các nước EU, sơ cứu là một phần bắt buộc của bài thi lái xe – tuy nhiên điều này chưa được thực hiện ở Việt Nam và vì thế nhiều người sẽ không được trang bị những kỹ năng cần thiết khi gặp phải tai nạn trên đường.

Bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát ngắn gọn về những gì cần làm khi gặp người bị tai nạn giao thông, nhưng lời khuyên là một khóa học về sơ cứu sẽ giúp bạn đủ tự tin hơn để giúp đỡ.

Giúp người bị tai nạn trên đường như thế nào? - 1

Người đi xe đạp là những người dễ bị thương tích nhất khi tham gia giao thông. Điều cực kỳ quan trọng là tất cả người đi xe đạp đều biết phải làm gì (và không làm gì) nếu gặp ai đó bị tai nạn. Với trẻ em, luôn nhắc nhở trẻ về tầm quan trọng của việc không vượt bên ngoài xe tải, xe buýt và các xe lớn khác và giải thích cho trẻ về điểm mù của xe.

Tất cả những người tham gia giao thông đều cần mang theo những đồ sơ cứu cơ bản, cho dù đó chỉ là một vài chiếc băng tam giác bằng vải. Người lái ô tô và xe máy cần có một bộ dụng cụ sơ cứu thích hợp.

Dưới đây là những bước cần làm nếu bạn là người đầu tiên có mặt tại hiện trường của một vụ tai nạn:

-Khi tiếp cận hiện trường vụ tai nạn, điều thật sự quan trọng là phải đảm bảo an toàn cho chính bạn. Hãy chắc chắn rằng tất cả phương tiện giao thông đã dừng lại và đặt vật báo hiệu ở đây đang có tai nạn để không xảy ra thương vong thêm. Luôn nhận thức về những phương tiện giao thông đang đi tới để đảm bảo không gây ra thêm mối nguy hiểm nào.

Để ý xem có rò rỉ nhiên liệu hay nguy cơ cháy nổ - tắt động cơ xe nếu có thể.

Bật đèn cảnh báo nguy hiểm trên xe và sử dụng biển cảnh báo hình tam giác nếu có.

- Nếu có người khác xung quanh, nhờ họ gọi điện thoại cho dịch vụ cấp cứu - nếu bạn chỉ có một mình, hãy đánh giá tình hình và xử lý những tình trạng đe dọa tính mạng trước tiên.

-Nhanh chóng xác định xem có bao nhiêu xe trong vụ tai nạn và đánh giá những người trên tất cả các xe để đảm bảo không có ai bị thương tích nguy hiểm tính mạng.

- Những người la hét, khóc và gây tiếng động là còn thở - do đó ưu tiên kiểm tra những người yên lặng và không cử động.

Nhanh chóng kiểm tra xem những nạn nhân nằm im có đáp lại hay không - nếu không thấy đáp lại, hãy kiểm tra xem họ còn thở không. Nếu họ không đáp lại và còn thở, hãy giữ họ ở tư thế cúi về phía trước hoặc về một bên để đường hô hấp thông thoáng. Di chuyển họ ở mức tối thiểu cần thiết và tránh xoay nạn nhân. Luôn nói chuyện để trấn an nạn nhân ngay cả khi họ đang bất tỉnh. Giữ ấm cho nạn nhân.

Giúp người bị tai nạn trên đường như thế nào? - 2

- Đỡ đầu và cổ nạn nhân để chúng không bị xoay - không che lên tai nạn nhân, bình tĩnh nói chuyện với nạn nhân và liên tục kiểm tra xem họ còn thở không.

- Nếu người bị nạn không thở, bạn sẽ cần hồi sức tim phổi - nếu bạn chỉ có một mình và chưa gọi cấp cứu – thì hãy làm ngay và xin hướng dẫn cách thực hiện hồi sức cấp cứu tốt nhất, vì không dễ thực hiện việc này trong xe ô tô.

- Chỉ đưa người bị nạn ra khỏi xe nếu có một mối nguy hiểm ngay lập tức đe dọa tính mạng của họ như cháy nổ hay ngập nước... Xin nhân viên cấp cứu hướng dẫn qua điện thoại cách làm việc này.

Đưa một người bị bất tỉnh ra khỏi xe là việc rất khó và rất có nguy cơ bạn có thể làm vết thương của họ trầm trọng thêm và làm bị thương chính mình.

- Người bị nạn còn tỉnh cần được trao cho những người xung quanh chăm sóc và đưa ra khỏi đống đổ nát đến nơi an toàn.

Hãy lưu ý những người có thể bị nguy hiểm do hoảng loạn và choáng váng. Đề nghị những người xung quanh giữ ấm cho nạn nhân, trấn an họ và giúp họ liên lạc với người thân. Tìm những vết thương lớn chảy máu và nguy hiểm tính mạng và xử trí những vết thương này đầu tiên.

- Lưu ý tính chất vỡ nát của xe và những thương tích có khả năng là hậu quả: cơ thể mềm hơn kim loại, vì vậy nếu xe hư hỏng nặng thì nhiều khả năng nạn nhân sẽ có thương tích bên trong – dặn những người ngoài cuộc thông báo cho bạn nếu tình trạng của nạn nhân có bất kỳ sự thay đổi nào.

- Những người bị văng ra khỏi xe máy hoặc xe đạp đặc biệt có nguy cơ bị thương vùng xương chậu. Nếu biết cách thì bạn hãy cố định khung xương chậu của nạn nhân và tiếp tục theo dõi các dấu hiệu của sốc, vì vỡ xương chậu có thể dẫn đến xuất huyết nội.

-Theo dõi cẩn thận bất cứ người nào bị mắc kẹt trong xe và thông báo ngay cho dịch vụ cấp cứu. Nếu nạn nhân bị đè ép, hãy ghi lại chính xác thời điểm xảy ra tai nạn vì đây là điều rất quan trọng trong việc quyết định sẽ giải phóng nạn nhân khi nào và như thế nào. Nếu có thêm người khác xung quanh, hãy chỉ cho họ cách đỡ cổ của người bị nạn để tránh bị xoay vì rất có khả năng nạn nhân bị chấn thương cột sống.

- Nếu có chảy máu nhiều, sẽ cần cầm máu – hãy đeo găng tay và ấn băng vào đó.

- Không cho bất cứ ai hút thuốc tại hiện trường hoặc cho người bị thương ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau tai nạn phòng trường hợp họ cần được phẫu thuật sau đó.

- Nếu nạn nhân là người đi xe máy, chỉ cởi bỏ mũ bảo hiểm nếu nạn nhân bất tỉnh và không có cách nào khác để kiểm tra xem họ còn thở không hoặc đường hô hấp của họ có bị nguy hiểm không. Một cách thông thường là nâng phần kính che mặt lên, và tháo dây đeo cằm.

- Nếu nạn nhân bị một chiếc xe hơi đâm vào và nằm ngửa bất tỉnh trên đường nhưng còn thở - nên cẩn thận đẩy họ nằm nghiêng ở “tư thế phục hồi” để giữ cho cột sống luôn thẳng. Tốt nhất là làm việc này với sự hỗ trợ của những người khác để tránh làm cột sống xoắn vặn.

Giúp người bị tai nạn trên đường như thế nào? - 3
Tư thế phục hồi
Tư thế phục hồi

Nếu một nạn nhân bị một chiếc xe đâm phải hoặc bị văng khỏi xe xuống đường và còn tỉnh, cần khuyến khích họ giữ tỉnh táo. Đảm bảo có ai đó điều tiết giao thông và giữ an toàn. Đỡ đầu và cổ, giữ cho người bị nạn ấm và khô và chờ xe cấp cứu đến.

Cẩm Tú

Theo FirstAidForLife

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm