1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giật mình chuyện vệ sinh ở nông thôn

Cuộc điều tra gần đây về thói quen rửa tay với xà phòng của người dân nông thôn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ người dân có thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng rất thấp. Thậm chí, nhiều người còn chưa biết… rửa tay đúng cách.



Giật mình chuyện vệ sinh ở nông thôn - 1

Rửa tay với xà phòng giảm 47% nguy cơ nhiễm bệnh tiêu chảy

 

Những con số bất ngờ          

 
Mặc dù, rửa tay là hành động diễn ra hàng ngày, rất đơn giản và rất dễ thực hiện, thế nhưng, cuộc điều tra về hành vi này cho thấy, chỉ 6,1% số đối tượng được quan sát có rửa tay xà phòng trước khi ăn, 0,8% rửa tay xà phòng sau tiểu tiện và 14,6% có thực hiện hành vi rửa tay xà phòng sau khi đi đại tiện.
 
Nguy hiểm hơn, tỷ lệ các bà mẹ rửa tay xà phòng trước khi cho trẻ ăn, sau khi làm vệ sinh cho trẻ cũng rất thấp, chỉ 2,6% và 10,5%. Ngay cả tại trường học, trạm y tế -  những nơi ai cũng nghĩ việc rửa tay sẽ được thực hiện nghiêm túc, đúng bài bản và tự giác thì ngược lại, tỷ lệ cũng rất khiêm tốn, chỉ 8,2% số người đi tiểu tiện rửa tay với xà phòng.
 
Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng (MCD) cho rằng, tỷ lệ rửa tay xà phòng của người dân trong cộng đồng còn thấp không hẳn do thiếu nước sinh hoạt hay do nơi rửa tay cách quá xa nơi ăn, mà do trình độ học vấn, mức thu nhập của mỗi gia đình và vị trí để xà phòng.
 
Qua quan sát thực tế tại nhiều vùng nông thôn trong cả nước, yếu tố có tác động rất rõ tới hành vi rửa tay xà phòng là việc sẵn có xà phòng rửa tay và đặc biệt là nhận thức đúng về tác dụng của rửa tay với xà phòng.
 
Đây thực sự là những vấn đề đáng lưu tâm. Nó cho thấy một thực trạng, người dân đang hổng những kiến thức cơ bản nhất về bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình. Họ không biết và không hiểu rửa tay như vậy để làm gì? Tại sao phải rửa tay với xà phòng? Và hoàn toàn bỏ qua tất cả những hành vi vệ sinh cá nhân được cho là tối thiểu nhất.
 
Cần tăng cường giáo dục truyền thông
 
Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, người dân đang thiếu hiểu biết và có thái độ thờ ơ, chủ quan với bệnh tật, đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa. Họ cho đây là vấn đề không nghiêm trọng và ít khi nghĩ đến nguy cơ mắc bệnh của bản thân và gia đình. Do vậy, cho dù có hiểu biết về tác dụng của rửa tay xà phòng, người dân vẫn không có động lực để thực hiện. Chính vì thế, phải thay đổi thói quen của họ bằng cách tăng cường giáo dục truyền thông, thay đổi nhận thức. Việc làm này không thể một sớm, một chiều mà cần lâu dài, bền bỉ cùng trách nhiệm của toàn xã hội.
 
Theo TS. Nguyễn Tiến Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Sức khỏe cộng đồng, các bệnh nhân khi đến Trung tâm đều được khuyến cáo về tác dụng của rửa tay với xà phòng. Nhiều bậc phụ huynh sau đó đã thay đổi hẳn cách sinh hoạt hàng ngày của gia đình, thường xuyên nhắc nhở con cái rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng tránh bệnh tật.
 
TS. Hiếu cho biết thêm, việc giữ gìn cho bàn tay luôn sạch thông qua hành vi rửa tay bằng xà phòng có vai trò rất lớn trong việc phòng chống lây nhiễm bệnh tật. Một động tác rửa tay sạch với xà phòng tại các thời điểm quan trọng như trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh sẽ làm giảm 47% nguy cơ nhiễm bệnh tiêu chảy. Cách phòng bệnh này được các bác sỹ tin dùng vì chi phí thấp, ai cũng thực hiện được, nhưng lại mang lại hiệu quả phòng các bệnh tiêu chảy, giun sán, nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với các biện pháp khác. Nếu như người dân hiểu được những vấn đề này, toàn cộng đồng cùng nhắc nhở nhau thực hiện để trở thành một thói quen mang tính văn hóa thì dịch bệnh không dễ hoành hành.

Minh Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm