Giao mùa: Gia tăng trẻ mắc viêm phế quản với dấu hiệu dễ bị bỏ qua

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thời gian qua, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI cho hay liên tục tiếp nhận các trường hợp viêm phế quản cấp. Điều đáng nói ở đây là hầu hết các trường hợp này chỉ có triệu chứng nhẹ như ho, sổ mũi… khiến bố mẹ chủ quan.

Trẻ mắc viêm phế quản cấp gia tăng mạnh thời điểm giao mùa

Viêm phế quản cấp là hiện tượng viêm cấp tính ở niêm mạc phế quản, làm rối loạn tiết dịch, tính thấm và phản ứng tại chỗ của phế quản. Trẻ bị viêm phế quản cấp, niêm mạc phế quản tăng tiết dịch nhầy, thành phế quản dày lên, các sợi cơ trơn của thành phế quản co thắt, lòng phế quản tắc nghẽn ở các mức độ khác nhau.

Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp ở trẻ ban đầu chủ yếu là virus. Trong đó, các virus gây bệnh phổ biến bao gồm virus cúm A và B; virus hợp bào hô hấp (RSV), rhinovirus, adenovirus type 1-7, enterovirus, parainfluenzae… Sau đó, trẻ có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. Influenzae, M. Catarrhalis, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn...

Những vi khuẩn này khu trú thường xuyên tại mũi - họng, khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, chúng hoạt động mạnh, tăng độc tính và gây bệnh. Ngoài ra còn có các yếu tố khiến trẻ bị viêm phế quản tái phát nhiều lần như cơ địa dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, suy giảm miễn dịch, môi trường sống có nhiều khói bụi…

Giao mùa: Gia tăng trẻ mắc viêm phế quản với dấu hiệu dễ bị bỏ qua - 1

Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp ở trẻ ban đầu chủ yếu là virus (Ảnh: Freepik).

Thời tiết  nóng - lạnh thất thường lúc giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Đây là một trong những lý do khiến bệnh nhi mắc viêm phế quản cấp gia tăng mạnh thời điểm này.

Viêm phế quản cấp biểu hiện mơ hồ, nhiều phụ huynh chủ quan

Có thể dễ dàng nhận biết trẻ mắc viêm phế quản cấp khi có các triệu chứng sau: nghẹt mũi, sổ mũi; ho khan hoặc ho cơn, có thể kèm khò khè, khó thở, ho có thể về đêm hoặc sáng; đau tức ngực, cảm giác đau sau xương ức tăng sau mỗi cơn ho (thường gặp ở trẻ lớn); sốt, có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ, từ 38 đến 39 độ C; đau nhức người, nôn, ăn bú kém…

Điều đáng nói ở đây là hầu hết trẻ mắc viêm phế quản cấp thăm khám tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI thời điểm này đều chỉ có biểu hiện mơ hồ như ho, sổ mũi…

Có thể kể đến bé Đ.H.M.K (24 tháng), sốt, ho, sổ mũi, ăn kém 3 ngày, được vệ sinh mũi họng, uống si rô ho thảo dược ở nhà không đỡ, được bố mẹ đưa đến TCI. Sau nội soi tai mũi họng, chụp X-quang tim-phổi, bé được chẩn đoán viêm phế quản cấp.

Hay như bé N.N.A.T (25 tháng), được bố mẹ đưa đến TCI sau 1 tuần ho, sổ mũi, ăn kém. Với các chỉ định cận lâm sàng tương tự (nội soi tai mũi họng, chụp X-quang tim-phổi, xét nghiệm máu), bác sĩ cũng chẩn đoán bé viêm phế quản cấp.

Giao mùa: Gia tăng trẻ mắc viêm phế quản với dấu hiệu dễ bị bỏ qua - 2

Bé A.T được bố mẹ đưa đến TCI sau 1 tuần ho, sổ mũi, ăn kém. 

Ho, sổ mũi là những triệu chứng hay gặp khi bị viêm đường hô hấp trong đó có viêm phế quản cấp, viêm mũi họng cấp… Viêm mũi họng cấp có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế chủ động nhưng viêm phế quản cấp thì không. Viêm phế quản cấp không được điều trị đúng, kịp thời có thể có biến chứng. Các biến chứng của bệnh lý này đều nguy hiểm, như viêm phổi, xẹp phổi, viêm phế quản mạn tính, suy hô hấp… thậm chí có thể tử vong, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do sức đề kháng còn yếu.

Nhầm lẫn giữa viêm phế quản cấp với viêm mũi họng cấp dẫn đến việc bố mẹ có thể chủ quan, không cho trẻ thăm khám sớm, tạo điều kiện cho trẻ được điều trị đúng, kịp thời; dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Lời khuyên của bác sĩ nhi khoa

Để cải thiện tình trạng viêm phế quản cấp, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh - Khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, chỉ định 2 bé Đ.H.M.K, N.N.A.T sử dụng các thuốc kháng sinh, thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản, men tiêu hóa và hẹn 2 bé tái khám sau 2 - 3 ngày.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, tháng 11, 12, thời tiết cả nước nói chung và miền Bắc nói riêng còn tiếp tục thất thường. Để hạn chế nguy cơ trẻ viêm phế quản cấp, bố mẹ cần giữ ấm cẩn thận cho con, đặc biệt là phần cổ, ngực và bàn chân; cho con rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, bổ sung vitamin C và kẽm để tăng cường sức đề kháng.

Ba mẹ có thể tăng cường sức đề kháng cho con bằng việc khuyến khích con tập thể dục đều đặn, đảm bảo con ngủ đủ 8-10 tiếng mỗi ngày, tiêm phòng đầy đủ cho con theo lịch, đặc biệt là vaccine cúm, cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước.

Giao mùa: Gia tăng trẻ mắc viêm phế quản với dấu hiệu dễ bị bỏ qua - 3

Cho con rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh (Ảnh: Freepik).

Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, dù là những dấu hiệu đơn giản như ho, sổ mũi…, bố mẹ cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất, để trẻ được thăm khám sớm và điều trị đúng, kịp thời viêm phế quản.

Tháng 11, khoa Nhi, Thu Cúc TCI tặng tới 50% chi phí khám lâm sàng và 20% chi phí khám cận lâm sàng. Liên hệ tổng đài 1900 55 88 92 để được tư vấn và đặt lịch khám.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm