Giận dữ trong công việc: Cần đúng cách!

(Dân trí) - Sự giận dữ ở nơi làm việc thường bị coi là điều xấu. Nó gợi lên hình ảnh của những ông sếp nóng nảy suốt ngày quát nạt nhân viên, hoặc những nhà sáng chế với cái tôi “to đùng” không bao giờ chịu để người khác phê bình.

Nhưng không phải sự tức giận nào cũng giống nhau - đặc biệt là "sự tức giận đạo đức" - một khái niệm mới được phân định trong một bài viết gần đây trên tờ Journal of Organizational Behavior - có lẽ rất quan trọng đối với sức khỏe của các cơ quan tổ chức.

Sự “tức giận đạo đức” xảy ra không phải vì điều gì đó được làm (hay không được làm) cho chúng ta, mà là vì những việc làm sai trái và vi phạm đạo đức xảy đến với những người khác. Chúng ta nổi giận khi phải chứng kiến ​​hành động không công bằng hoặc hạ thấp đồng nghiệp, sự quản lý thiên vị và vô cảm, hoặc những chính sách thiếu sót nghiêm trọng và những sản phẩm tai hại.

Sự tức giận đạo đức là một trạng thái cảm xúc mãnh liệt xuất phát từ sự vi phạm tiêu chuẩn đạo đức dễ nhận thấy tác động đến người khác hơn là đến bản thân mình. Điều quan trọng là nó cũng thôi thúc chúng ta hành động để cải thiện tình hình, ngay cả khi bản thân phải đối mặt với nguy cơ đáng kể.

Giận dữ trong công việc: Cần đúng cách! - 1

Khi thuật ngữ "đạo đức" được áp dụng cho sự tức giận, nó nhất thiết phải bao hàm ý tích cực: Chúng ta tìm cách duy trì các tiêu chuẩn đạo đức, đảm bảo sự đối xử công bằng, hoặc bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Như vậy, sự tức giận đạo đức khác với các kiểu tức giận khác theo 3 cách chính dưới đây:

1. Những tiêu chuẩn phổ thông bị vi phạm

Sự tức giận đạo đức được thổi bùng bởi sự vi phạm các tiêu chuẩn phổ thông về công lý, đạo đức, nhân phẩm của con người, chứ không phải là sở thích, giá trị hay ý thức hệ đậm màu sắc cá nhân.

Ví dụ, trái ngược với tức giận về một sự xúc phạm theo cảm nhận cá nhân bởi đồng nghiệp hoặc sếp, tức giận đạo đức dễ xuất hiện khi một nhân viên chứng kiến đồng nghiệp kết tội hoặc xử phạt không công bằng. Đây cũng là tình huống khi người quản lý trù dập hoặc đe dọa nhân viên của mình, thể hiện sự lạm quyền trắng trợn.

Tiêu chuẩn phổ thông là cốt lõi để hình thành đạo đức của xã hội; xã hội nói chung và xã hội của những cá nhân khỏe mạnh nói riêng có xu hướng tức giận như nhau với hành vi vi phạm.

2. Chúng ta cảm thấy lo ngại cho những người khác

Sự tức giận đạo đức phản ánh khuynh hướng vị tha, mà trọng tâm của nó đặt ở nhu cầu và quyền lợi của người khác, nhiều hơn là của chính mình. Thay vì bực bội vì sự bất lợi hoặc bất tiện của cá nhân, sự tức giận của chúng ta xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.

Tôi có thể buồn phiền vì bạn mắng tôi, nhưng sự tức giận - mặc dù có lý - có lợi chủ yếu cho bản ngã và sự tự hào của riêng tôi. Tuy nhiên, nổi giận khi chứng kiến người khác bị mắng ​​nhiếc, nhiều khả năng là minh chứng cho sự tức giận đạo đức. Tính ích kỷ hoặc tự coi mình là trung tâm là đối lập với sự “tức giận đạo đức”.

3. Chúng ta có hành động khắc phục

Sự tức giận đạo đức thôi thúc chúng ta phải làm gì đó để giúp cải thiện tình hình. Trong khi chúng ta thừa nhận rằng tức giận là một cảm xúc, chứ không phải là hành động. Nếu sự tức giận không thôi thúc một hành động nào đó để sửa chữa tình hình, thì nó sẽ thiếu đi vế "đạo đức".

Nếu cảm thấy bất bình về sự đối xử đối với một ai đó nhưng không làm gì để giúp đỡ, vì "đó không phải là việc của tôi" hay "ai đó có thể/cần/sẽ xử lý tình huống này," thì đó không phải là sự tức giận đạo đức.

Quay lại ví dụ trước, để đủ điều kiện là sự tức giận đạo đức, người chứng kiến ​​đồng nghiệp bị khiển trách không công bằng cũng phải hỗ trợ hoặc bảo vệ người đồng nghiệp kia. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói về sức mạnh sửa chữa của sự tức giận đạo đức.

Việc tố cáo thường bao gồm sự tức giận đạo đức - ví dụ, trong vụ việc nổi tiếng được miêu tả trong bộ phim The Insider năm 1999. Năm 1996, Jeff Wigand (sau đó là Phó Chủ tịch Nghiên cứu và Phát triển tại công ty thuốc lá Brown và Williamson Tobaco và chịu trách nhiệm phát triển dòng thuốc lá giảm tác hại) đã lên tiếng tố cáo công ty của ông cố tình làm tăng lượng nicotin trong thuốc lá, nhờ đó nâng cao tính gây nghiện của sản phẩm. Ban đầu, sau khi bày tỏ sự phản đối của mình trong công ty, ông đã bị trù dập và bị dọa giết.

Wigand cho biết ông "nổi giận" về quyết định từ bỏ thuốc lá an toàn của công ty và cuối cùng đã tìm được đủ sự can đảm để lên tiếng. Tuy nhiên, việc tố cáo đã mang tới những nguy hiểm đáng kể cho ông và gia đình đồng thời phơi bày việc làm thiếu đạo đức của các công ty thuốc lá Mỹ. Cuối cùng, các hành động của Wigand có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người, những người sẽ tiếp xúc với loại sản phẩm hợp pháp những đặc biệt có hại này.

Có lẽ tầm thường hơn và ít kịch tính hơn - mặc dù không kém giá trị - là những trải nghiệm cá nhân khi sự tức giận nhắc nhở chúng ta phải lên tiếng thay mặt cho người bị đối xử bất công, bị đe dọa, trù dập, phân biệt đối xử, độc ác, hoặc coi rẻ. Sự tức giận đạo đức là một loại "năng lượng" mà chúng ta có thể sử dụng để vượt qua những gì mà nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng im lặng hoặc né tránh. Như nhà triết học chính trị Edmund Burke đã nhắc nhở, "Điều duy nhất cần thiết cho chiến thắng của kẻ xấu là người tốt không làm gì cả".

Những lợi ích của việc khuyến khích nhân viên để lên tiếng khi họ chứng kiến ​​những hành vi đe dọa, buộc tội bất công, hay mưu đồ chiếm đoạt rất phong phú. Tối thiểu, thách thức sự vi phạm đạo đức trong môi trường làm việc sẽ phơi bày các hành vi và thủ phạm. Dành chỗ cho sự bộc lộ tức giận đạo đức trong công việc có thể thúc đẩy môi trường hỗ trợ, sự cảm thông, lòng dũng cảm, tính toàn vẹn và công bằng. Những người quản lý cho phép hoặc thậm chí khuyến khích nhân viên bày tỏ sự tức giận đạo đức có thể nằm bắt được không chỉ về những gì đang xảy ra, mà có lẽ quan trọng hơn – còn là về những gì cần phải thay đổi trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Biểu hiện sự tức giận ở nơi làm việc là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó sai trái cần sự chú ý ngay lập tức và phản ứng thận trọng của cấp quản lý.

Có phải chúng ta muốn nơi làm việc tức giận hơn? Có và không. Biểu hiện “tức giận chỉ vì tức giận” cần luôn được giữ ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, nếu chúng ta chứng kiến điều gì đó sai trái khiến chúng ta tức giận, thì hãy nói gì đó... hãy làm gì đó. Tổ chức và mỗi cá nhân sẽ được hưởng lợi khi các hành vi trái đạo đức được chú ý và xóa bỏ.

Bạn có thể bị nguy hiểm do bày tỏ sự tức giận đạo đức? Có. Nguy hiểm này có đáng để nhận, căn cứ vào cơ hội để mang lại lợi ích của người khác? Có! Sự tức giận đạo đức cho thấy chúng ta quan tâm đến người khác, chứ không chỉ là bản thân. Đồng thời , nó có thể giúp điều chỉnh nhiều bất công mà chúng ta gặp phải trong công việc và trong xã hội. Một thế giới không giận dữ sẽ là một thế giới không có sự chỉnh đốn, và đó là một thế giới mà chúng ta không muốn sống – cho dù nó có vẻ thanh bình và hiền hòa thế nào chăng nữa.

Cẩm Tú

Theo Huffintonpost