Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Tất cả phòng khám Trung Quốc đều yếu kém
(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết 17 phòng khám đa khoa Trung Quốc trên địa bàn thành phố đều yếu kém, nếu tính thang điểm 5 thì những phòng khám này chỉ đạt 1,7 điểm.
Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM ngày 5/12, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết gần đây rộ lên việc bệnh nhân tố cáo phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lừa đảo. Sau đó, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc vi phạm và tước giấy phép có thời hạn của một số phòng khám.
Song đại biểu Trâm băn khoăn là việc xử lý quyết liệt nhưng liệu những phòng khám này có chấp hành hay không? Bởi cứ sau mỗi lần xử phạt thì các phòng khám lại vi phạm và người dân lại tố cáo.
“Mình cứ trong cái vòng luẩn quẩn trong khi người dân rất bức xúc. Không biết có khó khăn gì không? Cần phải thay đổi nghị định gì? Cần phối hợp với cơ quan chức năng nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?”, đại biểu Trâm đặt vấn đề.
Về phản ánh của đại biểu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trên địa bàn thành phố có 192 phòng khám đa khoa, trong đó có 17 phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc.
Từ cuối năm 2016 đến tháng 10/2017, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra 192 phòng khám để đánh giá chất lượng, chia thang bậc theo thang điểm 5.
“Đáng buồn là 25% phòng khám yếu kém. Còn 25% là tốt. Trong đó các phòng khám Trung Quốc đều kém cả, tính thang điểm 5 thì họ chỉ đạt 1,7 điểm. Các thông tin này chúng tôi có công khai luôn trên website của Sở Y tế để người dân biết”, ông Bỉnh nói.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, trong 17 phòng khám thì 8 phòng khám tự đóng cửa. Sau đó Thanh tra Sở Y tế tiếp tục kiểm tra thì 4/9 phòng khám bị đóng cửa. Trong số 5 phòng khám còn lại thì có 4 phòng khám “cắt” phạm vi hoạt động.
“Sở Y tế cũng đã phạt các phòng khám này 715 triệu đồng. Tuy nhiên, khung xử phạt còn thấp. Bộ Y tế vào kiểm tra và thấy còn nhiều bất cập, đề nghị tăng mức phạt lên”, ông Bỉnh nói.
Theo Giám đốc Sở Y tế, những phòng khám Trung Quốc thường hay “vẽ vời”, lần đầu là 5 triệu sau “vẽ” lên 10 triệu. "Bác sĩ khám rồi kê khai bệnh này, bệnh kia đe dọa bệnh nhân, mà thường là bệnh khó nói", ông Bỉnh nói.
Theo ông, ngành y tế phát hiện và yêu cầu bác sĩ khi khám chỉ tư vấn một lần và khi nào có sự đồng ý của bệnh nhân thì mới làm tiếp. Theo ông Bỉnh, hiện nhiều người chưa có thói quen tìm hiểu thông tin về phòng khám Trung Quốc.
Bài: Quốc Anh
Ảnh, clip: Nguyễn Quang