Giải quyết bất cập về công tác phòng chống HIV/AIDS

(Dân trí) - “Các Tổ chức quốc tế đang giảm bớt ngân sách và sự hỗ trợ cho Chương trình phòng chống HIV/AIDS, do vậy việc nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo cho cán bộ là vô cùng cần thiết”, TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh.

Hội thảo “Kết nôi để nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo bền vững cho cán bộ Chương trình Phòng chống HIV/AIDS” được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 22-23/5. Đây là cuộc họp thường niên lần thứ 3 do Chương trình nâng cao năng lực Quản lý và Lãnh đạo (VLMCS) tổ chức, nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi, giúp các cán bộ làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo bền vững.

Quang cảnh buổi hội thảo 
Quang cảnh buổi hội thảo 

Hội thảo này có sự tham dự của TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, PGS.TS Bùi Thị Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y tế Công cộng, bà Michell Mc Connel, Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ tại Việt Nam (CDC) cùng với các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về lĩnh vực quản lý và phòng chống HIV/AIDS, lãnh đạo cơ quan phòng chống AIDS Trung ương và địa phương, các đơn vị đào tạo tại ba miền, các giảng viên, trợ giảng, và các cựu học viên đã tham gia các khóa học của Chương trình.

Tại buổi lễ khai mạc hội thảo sáng nay (22/5), TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, Chống HIV/AISD cho biết: Trong những năm vừa qua, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS đã nhận được nhiều hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác các đơn vị trong nước để triển khai rất nhiều các hoạt động và can thiệp phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Tại các tỉnh/thành phố, các Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cũng đã được thành lập, triển khai các hoạt động và đạt được nhiều thành công trong việc khống chế dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Tuy nhiên, so với nhiều chương trình khác, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn coi là non trẻ nên còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều Trung tâm phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa có trụ sở làm việc, trang thiết bị phụ vụ chuyên môn còn thiếu, đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tại tuyến tỉnh (ban giám đốc, trưởng phó các khoa phòng) còn thiếu kinh nghiệm về quản lý và lãnh đạo nên gặp nhiều khó khăn khi điều hành các hoạt động phòng/ chống HIV/AIDS tại đơn vị.

Đông đảo cán bộ đầu ngành đã tham dự hội thảo này 
Đông đảo cán bộ đầu ngành đã tham dự hội thảo này 

“Chúng tôi nhận thấy, chương trình nâng cao năng lực Quản lý và Lãnh đạo là một chương trình đào tạo mang tính liên tục và hiệu quả trong việc tăng cường kiến thức, kỹ năng về quản lý cho các cán bộ phòng chống HIV/AIDS mang tính hệ thống, khoa học, giúp cho các cơ quan, đơn vị phát hiện các vấn đề còn tồn đọng, đề xuất giải pháp, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, theo dõi đánh giá nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể, từ đó liên tục cải tiến quy trình làm việc và hướng tới nâng cao chất lượng của chương trình phòng chống HIV/AIDS tại địa phương”, TS Phạm Đức Mạnh nói.

Được biết, chương trình VLMCS được triển khai từ năm 2005, với sự phối hợp giữa Trường ĐH Y tế Công cộng, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Cục Phòng, Chống HIV/AIDS.

Mục tiêu của VLMCS nhằm tăng cường năng lực quản lý và lãnh đạo một cách bền vững cho các cán bộ phòng chống HIV/AIDS, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động và chất lượng dịch vụ của Chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Trong năm 2012, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS đã phối hợp chặt chẽ với trường ĐH Y tế Công cộng xây dựng thêm một khóa học mới về lãnh đạo và quản lý cho các cán bộ chủ chốt của Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, các Viện khu vực và Trung tâm AIDS của các tỉnh. Hiện nay, chương trình đang trình Bộ Y tế phê duyệt để mở rộng đào tạo thêm cho các cán bộ của hệ thống phòng chống HIV/AIDS.

Theo số liệu của Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, tính đến tháng 12/2012, số trường hợp nhiễm HIV trên toàn quốc hiện còn sống là hơn 210.073, số bệnh nhân AIDS là 61.699 và số người tử vọng do AIDS là 63.372, tỷ lệ nhiễm HIV trên toàn quốc trung bình là 239 người/100.000 dân.

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm