1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TT Huyết học - Truyền máu Nghệ An:

Giải pháp xây dựng “ngân hàng máu”

(Dân trí) - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ có Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh là cơ sở duy nhất làm nhiệm vụ thu gom và dự trữ máu nên phần lớn bệnh nhân bị bệnh về máu hầu hết phải gửi lên tuyến trên để điều trị.

Giải pháp xây dựng “ngân hàng máu”  - 1
 

Trước nhu nhu cầu máu và truyền máu phục vụ cấp cứu và điều trị tại chỗ là rất lớn, Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An đã được thành lập. Đi vào hoạt động từ đầu tháng 9 năm 2010, TT Huyết học và Truyền máu tỉnh đã bước đầu thực hiện chủ trương “Tập trung hóa ngân hàng máu” của Bộ Y tế và Viện Huyết học - Truyền máu TƯ. Theo đó, công tác thu gom, sàng lọc máu đã tập trung tại Trung tâm, sau đó được tiến hành cung cấp cho các bệnh viện trong tỉnh nhằm tiêu chuẩn hóa chất lượng an toàn truyền máu. Trung tâm đã có sự phối hợp với Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện của tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhằm thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng bước đầu đi vào hoạt động thì cũng còn không ít khó khăn mà Trung tâm đang đối mặt: thiếu phương tiện sản xuất chế phẩm máu và bảo quản máu cũng như phương tiện vận chuyển người, chưa có máy móc để đi lấy máu lưu động. Thiếu thốn cơ sở vật chất, nhân lực là chuyện không tránh khỏi đối với một đơn vị còn non trẻ, nhưng quan trọng nhất là vấn đề nguồn máu, điều cốt lõi đảm bảo sự hoạt động cho Trung tâm.

Thời gian qua, công tác vận động hiến máu ở tỉnh Nghệ An mới chỉ tập trung ở một vài đợt cao điểm, lượng máu lấy được từ hiến máu phần lớn là từ nguồn sinh viên mà bỏ qua một lực lượng rất đông là cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang… Còn nhiều người dân và cán bộ quản lý chưa thực sự hiểu về công tác hiến máu nên mới chỉ trông cậy phần lớn vào vai trò tập hợp, xung kích, vận động của Đoàn Thanh niên. Và thực tế ở đâu có Đoàn Thanh niên vào cuộc thì việc vận động hiến máu có sự thành công. Như vậy, Trung tâm Huyết học - Truyền máu sẽ khó chủ động về nguồn máu.

Một khó khăn nữa đó là công tác vận động hiến máu tình nguyện chưa thực sự đáp ứng nhu cầu máu và điều trị chưa bền vững. Có lúc có nhiều đơn vị đăng ký hiến máu nhưng cũng có lúc không có đơn vị nào dẫn đến tình trạng khan hiếm máu, nhất là dịp sau Tết âm lịch và dịp nghỉ hè. Trong khi đó, máu sau khi lấy chỉ dự trữ được 30 ngày do chưa có phương tiện bảo quản. Lượng máu thu gom ít nhưng trong thực tế nhu cầu sử dụng là rất lớn. Trong tháng 1/2011, Trung tâm thu gom được 375 đơn vị máu từ các nguồn nhưng lại sử dụng tới 765 đơn vị máu. Chỉ tính riêng mấy ngày Tết âm lịch, các cơ sở y tế đã sử dụng tới 122 đơn vị máu tương đương với 30.500ml máu phục vụ cho việc cấp cứu bệnh nhân.

BS Nguyễn Hoàng Cát, phó giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An mong có thêm phương tiện dự trữ máu đảm bảo chất lượng và phương tiện lấy máu lưu động.

Để hoạt động có hiệu quả, trong năm 2011, Trung tâm đã xây dựng bước đi cụ thể, phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc ưu tiên trước hết là phát triển chuyên môn, kỹ thuật. Trung tâm sẽ tiến hành nâng cao chất lượng các xét nghiệm về huyết học, đông máu, cầm máu; phân tích được 5 thành phần bạch cầu bằng công nghệ lase trong xét nghiệm tổng hợp tổng phân tích máu phục vụ công tác chẩn đoán và theo dõi điều trị.

Ngoài ra, Trung tâm cũng có kế hoạch bổ sung nhân lực, cử cán bộ đi học nâng cao tay nghề và các chuyên khoa định hướng. Đồng thời, làm tốt hơn công tác xã hội hóa, huy động mọi người tham gia hiến máu nhân đạo; phấn đấu thu gom đủ lượng máu để đáp ứng nhu cầu máu và truyền máu an toàn cho toàn tỉnh và khu vực, ứng dụng tiến bộ khoa học y học của Thế giới và Trung ương để điều trị các bệnh có liên quan về máu.

Hiến Chương - Nguyễn Phê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm