Giải cứu bà mẹ 2 con thừa cả “rổ” mỡ ở bụng, nặng hơn 100 kg

Nam Phương

(Dân trí) - Từ một thiếu nữ cao 1m60, nặng 49 kg, sau hai lần sinh con, người phụ nữ ở Sơn La choáng khi cân năng vọt lên 3 con số 115 kg.

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình -Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) vừa phẫu thuật tạo hình thành bụng thành công cho một nữ bệnh nhân có nặng khủng, trên nền bệnh lý đái tháo đường. 

Bệnh nhân là chị P.T.A, 32 tuổi, quê Sơn La, đã có 2 con (một bé 10 tuổi và 11 tuổi). Bệnh nhân cho biết thời con gái chị có dáng người mảnh khảnh, thon gọn, cao 1m60 và nặng 49 kg. Tuy nhiên, từ khi lấy chồng sinh con, cân nặng của chị bắt đầu tăng không kiểm soát được. 

Lần mang thai đầu, chị tăng đến 32kg. Người chưa kịp về dáng, chị lại có bầu lần thứ 2, lúc này cân nặng của chị đã vọt lên 85 kg. Sau sinh con, chị không sụt cân nào tiếp tục tăng cân, cân nặng của chị đã vọt lên 115 kg. 

Giải cứu bà mẹ 2 con thừa cả “rổ” mỡ ở bụng, nặng hơn 100 kg - 1
Sau 2 lần sinh con, cân nặng của bệnh nhân đã tăng lên 115 kg.

Cân nặng quá khổ khiến chị rất tự ti trong cuộc sống hằng ngày. Trong khi đó chồng chị lại có tạng người cao gầy, sự lệch pha về cân nặng khiến chị nhiều khi không dám xuất hiện cùng chồng. Các vùng mỡ, da thừa ở bụng dưới hay vùng nách khiến chị bị cản trở vận động, khó khăn trong sinh hoạt, chỉ đơn giản là việc ngồi cũng khó khăn, đặc biệt có mùi hôi do bị hăm càng làm chị thêm phần mặc cảm. Không những thế, khi tăng cân quá nhiều, chị còn bị thêm bệnh đái tháo đường. 

Chị đã thử nhiều phương pháp ăn kiêng để giảm cân như keto nhưng đều thất bại vì bị hạ đường huyết. 

Qua người quen, chị tìm đến khoa Phẫu thuật Phẫu thuật tạo hình -Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) với mong muốn cắt bớt da thừa và hút bớt mỡ thừa để vận động dễ dàng hơn. 

Ths.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình -Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, trước đó cho bệnh nhân đến khám với cân nặng 115kg, có chỉ định phẫu thuật tạo hình thành bụng. Để đảm bảo an toàn nhất cho bệnh nhân khi thực hiện mổ, bác sĩ đã tư vấn bệnh nhân về nhà tiếp tục giảm cân với sự hỗ trợ của bác sĩ dinh dưỡng. Tuy nhiên, sau 6 tháng bệnh nhân chỉ giảm được 10 kg. 

Thời điểm nhập viện lại, bệnh nhân nặng 105 kg. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới cho bệnh nhân ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, thì bệnh nhân bị béo phì độ 3 (độ cao nhất) với chỉ số BMI 41 (nặng 105 kg-cao 1m60). 

Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 5 giờ. Các bác sĩ đã cắt bỏ khối da mỡ vùng bụng khoảng 3,2 kg là nguyên nhân gây khó khăn cho bệnh nhân trong quá trình sinh hoạt. Đồng thời, hút thêm khoảng 2 lít mỡ bằng công nghệ Vaser lipo để giảm bớt phần nào khối lượng mỡ thành bụng và ở các vùng gây cọ xát như nách.

Giải cứu bà mẹ 2 con thừa cả “rổ” mỡ ở bụng, nặng hơn 100 kg - 2

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân kéo dài 5 giờ. 

“Trong hầu hết các trường hợp có cả thừa da và thừa mỡ thành bụng, các bác sĩ đều sử dụng kết hợp phẫu thuật nhằm cắt bỏ da thừa, tạo hình lại thành bụng với việc hút mỡ thừa. Việc hút mỡ sẽ giúp làm thành bụng mỏng hơn, da thành bụng sẽ dễ kéo giãn hơn, giúp loại bỏ các vùng mỡ thừa tại vùng eo để làm vòng 2 thon gọn hơn”, BS Minh phân tích. 

Theo BS Minh, khó khăn của ca mổ là thể trạng bệnh nhân quá béo, lượng mỡ nhiều, kèm theo bệnh lý nền là đái tháo đường đang được điều trị insulin… Vì vậy việc hồi sức, chăm sóc sau mổ sẽ rất khó khăn, cần theo sát kỹ để bệnh nhân có thể sớm ngồi dậy đi lại sớm, tránh viêm phổi cũng như tránh nguy cơ có thể chậm liền vết mổ do đường huyết tăng cao. Các điều dưỡng trong khoa phải thay phiên cho bệnh nhân ngồi dậy. 

Ngoài ra, khi cắt loại bỏ da thừa thành bụng cần chú ý không cắt quá nhiều nếu không sẽ không đóng thành bụng lại được, nếu cố đóng dễ có nguy cơ hoại tử vùng da mới được tạo hình. Vì vậy tạo hình thành bụng cần được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.

Sau ca mổ, hiện bệnh nhân ổn định, các chỉ số sinh tồn mạch huyết áp bình thường, đường huyết duy trì 6-7 mmol/l. Dự kiến bệnh nhân có thể kiến xuất viện trong một vài ngày tới. 

Việc cắt bỏ phần da thừa và một phần mỡ giúp bệnh nhân di chuyển, vận động dễ dàng hơn từ đó có thể tăng tiêu thụ năng lượng. Sau khi ra viện, bệnh nhân phải tuân thủ chặt chẽ chế độ dinh dưỡng của bác sĩ dinh dưỡng, kết hợp tập luyện tích cực để tránh bị thừa cân trở lại, BS Minh cho biết.

Béo phì mức độ nặng có thể gây nhiều hệ luỵ như bệnh nhân có thể bị trầm cảm do quá béo, kéo theo nhiều bệnh lý khác như bệnh tim, huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn lipid máu dễ dẫn đến đột quỵ, gan nhiễm mỡ… Cân nặng quá khổ cũng khiến người bệnh dễ mắc các bệnh về xương khớp, thoái hoá khớp. Thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung… Bệnh nhân cũng dễ gặp các biến chứng về da như rạn da, các vết hăm loét do các nếp da thừa. 

BS Minh khuyến cáo bệnh nhân bị bệnh béo phì có rất nhiều nguy cơ bệnh tật kèm theo. Vì thế, cách tốt nhất là thực hiện giảm cân một cách khoa học sao cho năng lượng vào cơ thể không nhiều hơn năng lượng được tiêu thụ. Cụ thể là thực hiện chế độ ăn ít năng lượng gồm nhiều rau xanh, chế độ tập luyện với các bài tập tiêu thụ calo như đi bộ, bơi lội, gym…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm