Giác mạc được hiến quá ít so với nhu cầu
(Dân trí) - Cả nước hiện có khoảng 300.000 người mù do các nguyên nhân liên quan tới giác mạc. Ghép giác mạc là phương pháp điều trị duy nhất để phục hồi thị lực cho họ nhưng nguồn hiến tặng giác mạc cho Ngân hàng Mắt ở nước ta còn rất hạn chế.
PGS, TS Hoàng Thị Minh Châu, Phó giám đốc BV Mắt TƯ đã cho biết như vậy tại hội nghị Chia sẻ kinh nghiệm về truyền thông vận động giác mạc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sáng 8/10.
Kể từ trường hợp được vận động hiến tặng giác mạc thành công đầu tiên vào tháng 5/2007 (cụ Nguyễn Thị Hoa, một giáo dân tại Xứ đạo Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Ngân hàng Mắt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều cộng tác viên tình nguyện dành thời gian và công sức tuyên truyền, vận động người dân hiến tặng giác mạc. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2008, Ngân hàng Mắt chỉ nhận được 64 giác mạc hiến tặng của 32 người từ một số tỉnh phía Bắc, đây là một con số quá ít ỏi so với nhu cầu của người bệnh.
Ngoài sự tài trợ của tổ chức ORBIS (khoảng 100 giác mạc/năm), nguồn giác mạc để ghép hiện nay chỉ trông chờ vào sự tự nguyện hiến tặng của cộng đồng. Vì thế, để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu và mang tính xã hội rộng lớn, từ tháng 11/2007, tổ chức ORBIS Quốc tế và Tập đoàn AIG hỗ trợ Hội chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng và triển khai dự án Tăng cường truyền thông vận động hiến tặng giác mạc.
Theo kế hoạch, từ năm 2010, mỗi năm Ngân hàng mắt do ORBIS (tổ chức nhân đạo phát triển quốc tế có sứ mệnh bảo vệ và phục hồi thị lực trên toàn cầu) hỗ trợ tại Bệnh viện Mắt Trung ương, sẽ thu nhận được 330 giác mạc từ những người tình nguyện hiến tặng trong nước.
Dự án sẽ tập huấn cho khoảng 3.200 tuyên truyền viên của Chữ thập đỏ tại 10 tỉnh đang triển khai các dự án chăm sóc. Các tuyên truyền viên vừa thực hiện công tác tuyên truyền nhân dân về bệnh mù liên quan tới giác mạc, vừa vận động người dân ủng hộ vào tham gia đăng ký hiến tặng sau khi qua đời.
Hồng Hải - P.Thanh