Giá test nhanh cúm A "nhảy múa" theo dịch, người dân như lạc vào ma trận
(Dân trí) - Được báo giá 230.000 đồng cho mỗi kit test cúm A của Hàn Quốc, chị Uyên (một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy) đắn đo hồi lâu nhưng rồi cũng quyết định chi hơn một triệu đồng để mua 5 kit test.
"Thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, phát sinh thêm một triệu đồng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hầu bao của gia đình. Thế nhưng tôi vẫn quyết định tự mua kit test vì tính ra vẫn rẻ hơn đi xét nghiệm ở bệnh viện", chị Uyên cho hay.
Trước đó, con trai út của chị có triệu chứng sốt cao, khi vào một bệnh viện tư nhân gần nhà làm xét nghiệm cúm A mất hơn 500.000 đồng/test. Cả gia đình có 6 người (nhà chị ở cùng bố mẹ chồng) vẫn còn 5 người chưa mắc cúm A, nên chị nhẩm tính tự test tại nhà sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá.
"Có nhiều chỗ bán kit test rẻ hơn một nửa. Tuy nhiên, người bán quảng cáo rằng sản phẩm của hãng này thường được các phòng khám sử dụng nên tôi chấp nhận mua giá cao để có được sản phẩm đảm bảo", chị Uyên cho hay.
Giá "nhảy múa" theo dịch, người dân như lạc vào ma trận kit test
Theo khảo sát của PV Dân trí, thị trường kit test cúm A trở nên "nhộn nhịp" theo đà bùng nổ bất thường của dịch tại Hà Nội.
Gõ từ khóa test cúm A lên thanh tìm kiếm của các trang mạng xã hội hay các chợ thương mại điện tử, người dân sẽ như lạc vào mê cung của các loại kit test cúm A.
Kit test cúm A đủ nhãn hiệu, với giá thành cũng có sự chênh lệch lớn, từ vài chục cho đến hơn 200.000 đồng/kit test. Dù giá thành chênh nhau vài lần nhưng bất kỳ sản phẩm nào cũng được người bán khẳng định "đã được cấp phép", "thường được nhập cho phòng khám, bệnh viện".
"Tôi được đồng nghiệp chỉ cho mua kit test cúm A của một hãng Hàn Quốc, nhưng tìm thử từ chợ mạng đến các hiệu thuốc lại mỗi nơi một giá. Thậm chí, có chỗ này còn gần gấp đôi chỗ kia. Mua chỗ rẻ thì sợ hàng giả không uy tín, mua chỗ đắt lại sợ bị hớ", anh Tuấn (địa chỉ tại Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ về trải nghiệm đi mua kit test cúm A của mình.
Nguồn gốc chất lượng kit test chỉ được đảm bảo "miệng", nhưng vì dịch bùng phát, trong nhà có người ốm nên nhiều người không ngần ngại bỏ số tiền lớn mua kit test về dự phòng.
Trao đổi với Dân trí, chị Q., một người đang phân phối các sản phẩm kit test cúm A nhận định, đã có sự loạn giá kit test khi dịch cúm A bùng nổ tại Hà Nội. Không ít người lợi dụng thời cơ này để đẩy giá sản phẩm, thậm chí là tăng gấp đôi để kiếm lời.
"Ví dụ sản phẩm kit test cúm A của hãng S.D. có nhiều nơi đang bán lẻ với giá trên dưới 200.000 đồng/kit test. Tuy nhiên, với giá nhập theo kiện của sản phẩm này tính ra chỉ khoảng 92.000 đồng/kit test", chị Q. tiết lộ.
Các chuyên gia nhận định, tình trạng người dân săn lùng mua thuốc Tamiflu, kit test phần nào thể hiện sự hoang mang của cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay.
Điều này còn khiến thị trường chợ đen lũng đoạn, đẩy giá lên cao, gây tâm lý hoang mang lo ngại không cần thiết, ảnh hưởng đời sống của người dân. Bài học từ kit test và thuốc điều trị Covid-19 vẫn còn nguyên giá trị.
Lưu ý khi test nhanh cúm A
Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm cho hay, về bản chất các loại test nhanh kháng nguyên cúm A phổ biến trên thị trường hoạt động theo nguyên lý tương tự nhau là phương pháp sắc ký miễn dịch.
Sau khi xuất hiện các triệu chứng của cúm như: ho, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh... 24 tiếng là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm để biết được có bị cúm hay không.
Trong trường hợp xét nghiệm cúm A dương tính, người dân chỉ sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu khi đã thăm khám và có chỉ định của bác sĩ. Các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, với test nhanh độ chính xác trung bình chỉ đạt khoảng 70 - 80%.
"Khi tự test nhanh tại nhà, người dân cần đọc kỹ hướng dẫn và đảm bảo thực hiện đúng các thao tác. Nếu khâu lấy mẫu hay bất kỳ bước nào không chuẩn đều có thể dẫn đến sai số", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trong trường hợp tự test nhanh âm tính với cúm A nhưng cơ thể vẫn có các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, mỏi người… người dân tuyệt đối không được chủ quan mà cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe và vào viện thăm khám kịp thời khi có dấu hiệu trở nặng. Ngoài ra, người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần hạn chế tiếp xúc, đến nơi đông người để phòng chống lây nhiễm.