Gia tăng tỉ lệ trẻ 2 - 3 tuổi đã dậy thì

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, BV Nhi T.Ư cho biết: "Số lượng trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng lên về số lượng và nhỏ hơn về độ tuổi mắc bệnh".

Chị Lê Minh Hoà (Gia Lâm - Hà Nội), vô cùng lo sợ khi thấy cô con gái mới 2 tuổi thỉnh thoảng lại có biểu hiện chảy máu ở âm đạo trong 1 - 3 ngày; ngực của bé cũng bắt đầu to lên. Cùng đó, thỉnh thoảng bé xuất hiện những cơn co giật, thích ăn mặn...

Đưa con đến khám tại Viện Nhi T.Ư, chị Hoà mới hay con gái chị đã bị tổn thương về não, dẫn đến những bất thường của cơ thể, cụ thể là bệnh dậy thì sớm.

Theo TS Hoàn, đây là loại bệnh khá hiếm gặp 5 năm trước (trong 100 bé chỉ có 4 - 5 trường hợp trẻ mắc bệnh và thường ở độ tuổi dưới 8 (nữ); trước 9 tuổi (nam)) nhưng đến nay, bệnh phát triển, thậm chí nhiều trẻ mới 2 - 3 tuổi đã có biểu hiện dậy thì.

“Bệnh này phân làm 2 loại: dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả. Dậy thì sớm thật có nguyên nhân do não bị tổn thương, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận hoặc trẻ bị bệnh động kinh. Trẻ bị dậy thì sớm rất dễ tử vong nên cần tiến hành phẫu thuật gấp.

Dậy thì sớm giả ở nữ là do u nang buồng trứng, nam là do tăng sản thượng thận bẩm sinh. Đối với những đứa trẻ này, mặc dù phát triển sớm về mặt sinh lý nhưng tâm lý lại không phát triển nên rất dễ bị lợi dụng, quấy rối tình dục”, TS Hoàn cho hay.

Dậy thì sớm là loại bệnh lý không phòng ngừa được, cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời trước 5 tuổi. Các dấu hiệu để phát hiện bệnh ở bé trai là cơ bắp phát triển, nghịch bộ phận sinh dục, có ria mép, lông mu…; bé gái có núm vú to, có kinh...

Theo lời khuyên của các BS, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần phải cho trẻ ăn uống thích hợp, không lạm dụng nhiều chất bổ, khuyến khích trẻ vận động, không tiếp xúc với các phim ảnh tình cảm người lớn.

P. Thanh