Gia tăng số người hít khói độc thuốc lá

(Dân trí) - Với con số khoảng 22 triệu người hút thuốc lá hiện nay, Việt Nam đang một trong những quốc gia tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất hành tinh.

“Bạn đồng hành” của bệnh ung thư           

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Trong số đó có nhiều chất được tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm 1, tức là các chất gây ung thư cho con người dù ở liều lượng rất thấp. Điển hình là các hợp chất thơm có vòng benzene, acetaldyhyde, arsenic, berrylium, vinyl chloride, formaldehyde, polonium-210... Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây nên 6 trong số 8 nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất thế giới.

Thuốc lá kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.

Thuốc lá kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.

Thuốc lá được chỉ ra là “thủ phạm” gây ra khoảng 40.000 ca tử vong tại Việt Nam mỗi năm với hàng loạt căn bệnh được mệnh danh là “vô phương cứu chữa” như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính... Đáng nói, không chỉ người hút mà những người không hút thuốc lá nhưng bị phơi nhiễm với khói thuốc (hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ phải gánh chịu những rủi ro bệnh tật từ thuốc lá giống như người hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.  

Trong khi đó, hiện có khoảng 8 triệu người lao động Việt Nam tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở nơi làm việc. Khoảng 47 triệu người Việt Nam hít phải khói thuốc thụ động ở nhà, trong đó có 33 triệu người không hút thuốc

Theo Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K Trung ương), trong số những bệnh nhân ung thư khoang miệng được điều trị chiếm tỷ lệ lớn là nam giới và có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Đa số bệnh nhân mắc các bệnh lý ung thư khoang miệng như: ung thư lưỡi, vòm họng, sàn miệng… Đáng lo ngại là trong những năm gần đây, bệnh gia tăng và đứng trong tốp 10 ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 40-60 nhưng nay đang có xu hướng trẻ dần.

Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp thuốc lá vào nhóm 1, tức nhóm nguyên nhân chắc chắn gây ung thư trên người trong bảng phân loại các yếu tố sinh ung thư. Thuốc lá được khẳng định là nguyên nhân gây ra 1/3 tổng số các trường hợp ung thư, chủ yếu là ung thư phổi. 90%  các trường hợp ung thư phổi đều có liên quan hút thuốc lá. Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi ở người hút thuốc lá cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Nguy cơ này tỷ lệ thuận với thời gian hút và số điếu thuốc hút mỗi ngày. Người không hút thuốc lá thường xuyên sống trong môi trường có khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) thì nguy cơ ung thư phổi gấp 1,2-1,5 lần so với người sống trong môi trường không khói thuốc.

Giá thuốc “bèo” gia tăng số người hút thuốc

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) tại Việt Nam (GATS), tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới, 1,4% đối với nữ giới và tỷ lệ hút thuốc lá chung là 23,8%.  Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh độ tuổi 13 - 15 (năm 2007), có 17% học sinh nam thử hút thuốc lá trước 10 tuổi, hơn 10% học sinh nam cho biết sẽ có ý định hút thuốc trong tương lai (kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên toàn cầu 2007).

Theo các chuyên gia, giá thuốc lá thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiếp cận với thuốc lá một cách dễ dàng trong thanh thiếu niên. Việt nam là nước có giá thuốc lá rất thấp kể cả so với các nước đang phát triển khác ở Châu phi.  Ngoài ra, các chuyên gia  cho rằng tình trạng học sinh hút thuốc lá là vấn đề đáng lo ngại. Ở độ tuổi thích khám phá, thích “bắt chước” người lớn, thậm chí không ít học sinh cho rằng hút thuốc là cách thể hiện bản thân, trông sành điệu hơn và để bạn bè không còn chê là “nhát như thỏ”.

Với những tác hại to lớn về mặt sức khỏe, thuốc lá được xếp vào nhóm sản phẩm hạn chế tiêu dùng. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, tăng thuế đối với thuốc lá là biện pháp hữu hiệu giảm tiêu dùng thuốc lá và mang lại nhiều lợi ích khác cho xã hội.

Ở nước ta, mức thuế hiện hành với thuốc lá chỉ ở mức 65% trên giá xuất xưởng (tương đương với 41,6% giá bán lẻ) và đã được duy trì cố định suốt 6 năm kể từ lần tăng thuế cuối cùng vào năm 2008. Mức thuế này khá thấp so với nhiều nước trong khu vực. Và theo kinh nghiệm của lần tăng thuế trước, mức tăng thuế 10% của năm 2008 đã không làm giảm được tiêu dùng thuốc lá trong dài hạn.

Mặc dù vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến sẽ được Quốc hội phê duyệt vào tháng 10 tới đây, dự kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ thuốc lá chỉ ở mức 5% cho mỗi giai đoạn. Cụ thể, thuế thuốc lá sẽ tăng từ 65% hiện nay lên 70% vào ngày 1/1/2016 và lên 75% từ 1/1/2019. Theo phân tích của các chuyên gia, mức tăng thuế này là quá thấp và không hề tác động tới giảm tiêu thụ thuốc lá, trong đó có thanh thiếu niên

Bộ Y tế đã đề xuất, để đạt được mục tiêu Chiến lược Quốc gia về phòng chống thuốc lá đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, đó là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 47,4% hiện nay xuống 39% vào năm 2020, thì thuế thuốc lá cần được tăng mạnh từ 65% lên 105% vào năm 2015 và tăng lên 145% vào năm 2018.
Tú Anh