Gia tăng hội chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ

(Dân trí) - Bé chỉ chăm chú vào một món đồ chơi, thờ ơ với tất cả hoặc cười nói một cách bất thường trong một thời gian dài... Tất cả những hiện tượng trên đều cho thấy có thể trẻ đang mắc hội chứng tự kỷ.

Chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng

 

Theo TS Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, bệnh viện Nhi Trung ương, đây là một trong những hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em.

 

Loại bệnh đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam. Chỉ trong nửa đầu năm 2006, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 3.000 trẻ bị nghi mắc bệnh tự kỷ đến khám và điều trị. Các bác sĩ ở đây cho rằng, con số chính xác còn lớn hơn rất nhiều nhưng do gia đình không biết, hoặc biết mà lơ là, nghĩ là không quan trọng nên không đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị.

 

Có mặt tại khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện Nhi TƯ, chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều trẻ em mắc căn bệnh này với những biểu hiện khác nhau. Cháu thì cười nói suốt ngày và có những hành động kỳ quặc, cháu lầm lì, không nói một lời, kể cả với người thân. Có cháu chỉ chăm chăm vào thứ đồ chơi chúng thích mà không hề để ý đến sự có mặt của người bên cạnh. Có cháu lại thích nói chuyện một mình.

 

Anh Lê Đình Hùng (Tân Mai - Hà Nội) cho biết, con trai anh dù đã hơn 2 tuổi nhưng chỉ bập bẹ được vài từ đơn giản. Đặc biệt, cháu không bao giờ cười hay có những động tác, vẫy tay hay bắt tay với người khác. Bác sĩ điều trị cho biết, những dấu hiệu này cho thấy bệnh khá nặng, cần phải kiên trì điều trị. Đặc biệt, phải có sự phối hợp giữa gia đình với bác sĩ mới đem lại hiệu quả...

 

Bác sĩ Đỗ Thuý Lan, Hội Y tế Công cộng Việt Nam cho biết: Nguyên nhân của căn bệnh này hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Người ta nhận thấy một số yếu tố gây nên hội chứng tự kỷ như:

 

- Những khó khăn hoặc chấn động mạnh trong quá trình thai nghén của người mẹ gây tổn thương não.

 

- Một số bệnh nhiễm khuẩn: Rubella, viêm não Herper.

 

- Nguyên nhân sinh học.

 

- Do gien di truyền.

 

Dấu hiệu mắc bệnh

 

TS Hà cũng cho biết thêm, thông thường, trẻ thường mắc chứng bệnh này trước 3 tuổi. Có thể trong 2 năm đầu đời, trẻ vẫn phát triển bình thường, cho đến năm thứ 3 thì những khả năng đã có mất dần đi  hoặc bị chững lại. Bên cạnh đó, trẻ  biểu hiện qua 3 loại hành vi sau:

 

- Khiếm khuyết về quan hệ xã hội: Trẻ tự kỷ rất hạn chế trong vấn đề giao tiếp xã hội. Không chia sẻ cảm xúc buồn vui, không quan tâm đến những hoạt động xung quanh trẻ.

 

- Khiếm khuyết về sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp: Trẻ rất chậm nói hoặc nói không rõ tiếng. Cũng có trẻ biết nói nhưng chỉ được vài câu còn lại là im lặng, những trẻ này không biết cách biểu đạt nguyện vọng bằng ngôn ngữ.

 

- Chơi tưởng tượng: Trẻ không thích chơi với bạn bè mà chỉ thích chơi một mình và rất thích gắn bó với những đồ vật bất thường như tăm, đũa, điều khiển tivi.... Gần 100% trẻ tự kỷ xem quá nhiều quảng cáo trên tivi, tay chân hay vê xoắn, hoặc đi vòng quanh không có mục đích.

 

Có thể chữa khỏi hoàn toàn

 

Tuy chưa tìm thấy nguyên nhân chính gây ra chứng tự kỷ nhưng thông qua việc chụp cắt lớp EEG, người ta đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường trong não của trẻ tự kỷ. Đối với những trường hợp này, các bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc điều trị động kinh để hỗ trợ. 

 

Đáng chú ý là hiện nay, Viện Nhi TƯ đã phối hợp cùng các chuyên gia tâm lý Mỹ xây dựng một phương pháp trị liệu hiệu quả với nhiều nội dung như can thiệp hành vi (ABA), chương trình số, ngôn ngữ trị liệu, huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hằng ngày, giáo dục mẫu giáo, thuốc...

 

Thời gian đã cho thấy phương pháp ABA đem lại hiệu quả rất cao, đã có khá nhiều bệnh nhi khỏi bệnh nhờ phương pháp này. Chỉ cần 1-2 tháng, gần  90% trẻ đã loại bỏ được hành vi xấu và bất thường, phần lớn số trẻ sẽ cải thiện được vấn đề ngôn ngữ. Tuy nhiên, với điều kiện trẻ phải được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phương pháp.

 

Có thể thấy "Hội chứng tự kỷ" ở trẻ là chứng bệnh hoàn toàn có thể khắc phục với điều kiện trẻ bệnh được phát hiện sớm. Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên, khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời.            

 

Phạm Thanh