Gia tăng chứng bệnh điếc đột ngột
(Dân trí) - TS Lương Hồng Châu, Trưởng Khoa Tai thần kinh, BV Tai Mũi Họng TƯ cho biết, tình trạng điếc đột ngột có xu hướng gia tăng và tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi trung niên. Điếc đột ngột nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường để lại di chứng điếc vĩnh viễn.
Khoa thường xuyên tiếp nhận các ca điếc đột ngột, tuy nhiên, đa phần là bệnh nhân đến muộn nên khả năng phục hồi chức năng nghe rất ít.
Điếc đột ngột có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây của TS Lương Hồng Châu trên 108 bệnh nhân cho thấy, lứa tuổi bị điếc đột ngột có tỷ lệ cao nhất là từ 31 – 55 tuổi, chiếm 54,63%. Lứa tuổi chiếm tỷ lệ cao thứ hai là từ 16 – 30 tuổi, chiếm 28%.
Đề tài này cũng đề cập tới các yếu tố thuận lợi và nguyên nhân gây điếc đột ngột. Theo BS Châu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng điếc đột ngột, nhưng phải kể đến các nguyên nhân do căng thẳng, lo âu, đặc biệt là tiếng ồn… Tuy nhiên, điếc thần kinh đột ngột tự phát là chiếm tỷ lệ cao nhất, 75,9%.
Điếc xảy ra một cách đột ngột, cũng có thể diễn biến trong vài giờ, 1 ngày hoặc vài ngày, thông thường điếc hẳn 1 bên tai hoặc cả 2 tai là dấu hiệu đầu tiên, bệnh thường phát hiện lúc tỉnh dậy vào buổi sáng. Một vài bệnh nhân đang đêm tỉnh giấc vì những tiếng ù tai gây mất ngủ.
Nếu điếc cả hai tai thì bệnh nhân phát hiện ngay lập tức, nhưng nếu điếc một bên tai thì nhiều bệnh nhân không tự phát hiện được mà chỉ tình cờ phát hiện ra khi nghe điện thoại, tiếng đồng hồ…
Khi phát hiện bị điếc đột ngột, việc bệnh nhân cần làm ngay là đến các cơ sở chuyên khoa càng sớm càng tốt. Trong nghiên cứu này của TS Châu cho thấy, có tới 85,19% người bị điếc đột ngột phục hồi được chức năng nghe khi đến viện trước 7 ngày. Còn những bệnh nhân đến sau 7 ngày, tỷ lệ thành công chỉ còn 7,14%.
Hồng Hải