Gia tăng bệnh nhân mắc viêm màng não do não mô cầu

(Dân trí) - Từ đầu năm 2015 đến nay đã có 24 ca bệnh viêm màng não mô cầu trong cả nước, trong đó 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4 ghi nhận đến 11 trường hợp mắc. Như vậy, số ca mắc viêm màng não tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014.

Một bệnh nhân mắc não mô cầu. Ảnh: H.Hải
Một bệnh nhân mắc não mô cầu. Ảnh: H.Hải

Đánh giá về sự gia tăng của các ca viêm màng não do não mô cầu nguy hiểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sự gia tăng các ca viêm màng não do não mô cầu không có gì bất thường. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%.

Tuy nhiên không vì thế mà ngành y tế chủ quan bởi viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn rất nguy hiểm và lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, rất dễ bùng phát thành dịch. Thông thường khi ghi nhận ca bệnh thì hầu hết tất cả những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, nhân viên y tế tiếp xúc không có bảo hộ an toàn trong thời điểm đầu bệnh nhân nhập viện chưa được chẩn đoán bệnh đều phải uống thuốc dự phòng mắc bệnh. Bệnh nhân phải điều trị cách ly nghiêm ngặt bởi tính chất nguy hiểm và dễ lây lan của bệnh. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, đây là bệnh lý ít gặp nhưng tỉ lệ tử vong khá cao. Hơn nữa, vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mô cầu dễ lây truyền qua đường hô hấp bởi vi khuẩn này nhân lên nhiều ở vùng hầu họng. Vì thế, bệnh được xếp vào bệnh có tính chất lây lan mạnh, cần phải có sự phối hợp với y tế dự phòng để khống chế ổ dịch, giảm nguy cơ bệnh từ một người lây lan rộng ra những người sống xung quanh.

“Khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viên họng và ở những cơ địa yếu, vi trùng tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và với những trường hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng”, BS Cấp nói.

Theo đó, viêm màng não do não mô cầu ở thể tối cấp bệnh khiến bệnh nhân nhanh chóng bị nhiễm trùng nhiễm độc nặng, rơi vào tình trạng sốc, suy đa thể tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24h với tỷ lệ tử vong lên đến 60-70%; thể viêm màng não mủ là 30-40% nếu việc điều trị không kịp thời. Vì thế, việc phát hiện điều trị sớm là điều cần quan tâm số một với căn bệnh này.

Tuy nhiên để phát hiện sớm viêm màng não do não mô cầu không đơn giản bởi những dấu hiệu ban đầu người bệnh cũng có biểu hiện đau họng, đau mỏi người giống với các bệnh viêm đường hô hấp thông thường khác. Còn ở thể nhiễm trùng huyết, người bệnh cũng xuất hiện ban hoại tử trên da nên bệnh cũng dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Còn khi diễn tiến nặng hơn gây biến chứng viêm màng não do não mô cầu thể viêm não mủ thì biểu hiện cũng giống như những ca viêm não mủ bình thường khác, gồm các triệu chứng: sốt, đau đầu, nôn, hôn mê.

Là căn bệnh nguy hiểm nhưng viêm màng não do não mô cầu lại có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin. Vì thế Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh nhóm A,B và C. Vắc xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần.

Ngoài ra để phòng bệnh người dân cần  thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoái nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Còn tại bệnh viện, cần cách ly bệnh nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh… và với những người tiếp xúc trực tiếp cần dùng thuốc dự phòng. Các loại thuốc dự phòng, liều lượng cũng được hướng dẫn chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến cơ sở trong việc phát hiện, điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc bệnh nhân.

Hồng Hải