1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gia đình có con trao nhầm bàn kế để trẻ hòa hợp với bố mẹ mới

(Dân trí) - Lo ngại hai trẻ sẽ bỡ ngỡ khi được trả về với đúng bố mẹ ruột, gia đình anh Sơn, chị Hương đã thỏa thuận, cùng làm công tác tư tưởng để hai bé có cơ hội tiếp xúc gần, cùng ăn, ở tại nhà anh Sơn. Trong tình huống bé không chịu ngủ lại, anh sẽ lại đưa con về nhà chị Hương ngủ và tiếp tục hành trình sáng đón, tối đưa con về.

Gia đình anh Phùng Giang Sơn (hiện đang nuôi bé Phùng Thanh H. - con ruột của chị Hương) chia sẻ đã thống nhất được với chị Vũ Thị Hương (đang nuôi bé Đoàn Nhật M. - con ruột của anh Sơn) trong việc để hai bé bị trao nhầm dần hòa nhập với bố mẹ, gia đình mới.

Chị Hương cũng rất mong muốn cả hai bé sẽ được hòa nhập, gắn kết tình cảm với bố mẹ mới, không để trẻ bị sốc khi "bỗng dưng" phải xa người thân đã chăm nuôi mình 6 năm trời để đến một gia đình mới.

Bệnh viện Ba Vì nơi xảy ra sự cố trao nhầm con hi hữu 6 năm trước.
Bệnh viện Ba Vì nơi xảy ra sự cố trao nhầm con hi hữu 6 năm trước.

Trước mắt, chị Hương đã đồng ý tạm nghỉ công việc tại trường mầm non ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong thời gian này, chị sẽ ở quê, bên con để dành thời gian ở bên cháu M., làm công tác tư tưởng cho con để con dần được tiếp xúc, gây dựng tình cảm với bố mẹ đẻ. Bản thân chị cũng có thể tiếp xúc, gần gũi hơn với con ruột của mình đã 6 năm xa cách do bé bị trao nhầm từ khi sinh.

Theo đó, cả hai gia đình thống nhất trước mắt bé M. sẽ qua nhà anh Sơn để đi học với bé H. Trong tình huống bé lạ, không chịu ngủ lại ở nhà bố mẹ đẻ, chị Hương sẽ lại đón con về ngủ với mình, rồi tiếp tục hành trình sáng đưa, tối đón con về, đến khi nào bé cảm thấy thân thiết, hòa nhập, tự nguyện ở lại nhà bố mẹ. Cả hai gia đình xác định quá trình này có thể kéo dài cả năm trời, nhưng nhất định sẽ nỗ lực để hai con hòa nhập dần, không khiến trẻ bị sốc tâm lý khi bỗng dưng xa người chăm sóc, yêu thương mình 6 năm trời.

Anh Sơn cho biết, trước mắt anh đã đăng kí cho cả hai bé tham gia lớp kĩ năng 1 tuần, sẽ bắt đầu học từ 20/7 tới. Sau đó, đầu tháng 8 cả hai bé sẽ chính thức vào lớp 1.

"Mong muốn là vậy, còn lại đều phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc, phản ứng của hai đứa trẻ. Trước đó hai gia đình cũng đã cho hai bé qua lại với nhau khoảng 10 lần, 2 con tiếp xúc, chơi với nhau vui vẻ. Chúng tôi cũng nói với con về sự thật này. Tôi cũng nghĩ đến phương án, có thể sắp xếp để cháu M. và cháu H. cùng ngủ lại mỗi gia đình 1 tuần. Thời gian đầu chưa quen, vợ chồng tôi sẽ cùng cháu H. lên nhà chị Hương ngủ lại, dù cho có phải kéo dài 1-2 năm đi nữa", anh Sơn bày tỏ.

Anh Sơn cũng cho biết thêm, ưu tiên số 1 của gia đình hiện tại làm sao để các cháu gần gũi, tình cảm với bố mẹ ruột. Đầu tuần tới, BV Đa khoa Ba Vì cũng có cuộc hẹn làm việc với 2 gia đình để thống nhất lại nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất là hoàn tất các thủ tục giấy tờ cho 2 cháu đi học.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho biết, Bệnh viện vẫn đang xúc tiến các vấn đề liên quan đến sự cố hi hữu trao nhầm con. Phía bệnh viện sẽ sớm mời gia đình anh Sơn và chị Hương cùng gặp để thỏa thuận mọi việc.

Với số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng mà một gia đình đề nghị, hiện tại Quỹ đền bù rủi ro của bệnh viện không đủ tiền để chi trả. Tuy nhiên, ông Hùng cũng mong muốn sự việc không phải đưa ra tòa mà giải quyết giữa ba bên.

Trước đó, gia đình anh Sơn đã gửi đơn kiện đến tòa án huyện Ba Vì với mong muốn được giải quyết sự việc nhanh nhất để nhận lại con trai sau 6 năm bị trao nhầm. Tuy nhiên đến nay tòa chưa thụ lý vụ án vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc.

Anh Sơn chia sẻ thêm, khi được trao lại con, anh vẫn sẽ gọi tên của con ở nhà là M. để bé không bị bỡ ngỡ, lạ lẫm. Tuy nhiên anh sẽ phải khai sinh lại tên họ của con bởi tên con hiện tại trùng với rất nhiều thành viên khác trong gia đình.

Tương tự trường hợp của gia đình anh Sơn, chị Hương, hai gia đình ở Bình Phước sau khi nhận lại con ruột sau 3 năm bị trao nhầm cũng đã phải thảo luận để hai trẻ ở chung một nhà. Sự việc xảy ra năm 2013, tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, chị Nguyễn Thị Thu Trang (28 tuổi, dân tộc Kinh) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (26 tuổi, người dân tộc STiêng), cùng sinh con gái và cũng đã bị trao nhầm con.

Đến tháng 7/2016, hai bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau ba năm bị trao nhầm. Tuy nhiên, cả hai gia đình và 2 cháu bé đều sốc bởi cuộc sống lạ lẫm của trẻ ở gia đình mới. Cuối cùng, cả hai nhà đã thống nhất hai bé sống chung với nhau và được hai bên chăm sóc. Đến nay, cả hai bé gái đều hòa hợp như cặp song sinh ruột, ăn ở cùng nhà, học cùng lớp, cùng trường.

Hồng Hải