Giá dịch vụ y tế thấp, người dân phải chịu khổ
(Dân trí) - Đó là lý giải của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước Quốc hội về việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế.
Giá quá thấp, dân phải chịu khổ
Viện phí tăng, người bệnh được hưởng lợi bởi dịch vụ tốt hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn do các bệnh viện phải dành ít nhất 15% nguồn thu để đầu tư, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ người bệnh tốt hơn.
Như tình trạng quá tải rất “nhức nhối” tại tuyến Trung ương nay đã giảm đáng kể, tỷ lệ người nằm ghép đã giảm xuống. Như tại BV K, trước đây chỉ có một cơ sở, người bệnh 5 - 6 người/giường. Nay đã có cơ sở hai đưa vào hoạt động khang trang, rộng rãi, thoáng mát. Hay Tại khoa ung bướu, tim mạch Bệnh viện Bạch Mai thì hiện nay đã tăng được 200 giường bệnh, các cơ sở của Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng khoảng 500 giường… Việc xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tại các tỉnh cũng đang được bàn tới…
Không chỉ cố gắng nâng số giường bệnh để giảm tải, các bệnh viện cũng đã đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phục vụ người bệnh tốt hơn. Như BV Bạch Mai, để chuẩn bị cho việc thu giá viện phí mới, bệnh viện đã cố gắng để có chất lượng phục vụ, điều trị cho bệnh nhân có thể tốt nhất như nâng cấp cơ sở vật chất: chi 20 tỷ để sửa chữa khoa Khám bệnh, nâng số phòng khám lên gấp đôi, trang bị toàn bộ hệ thống điều hòa đến các buồng khám bệnh này…. Đầu tư gần 30 tỷ nâng cấp, sửa chữa buồng bệnh, lắp đặt hệ thống điều hòa, mua thêm máy thở… đều là những thứ thiết yếu cho người bệnh.
Thực tế đợt điều chỉnh tăng giá viện phí, điều chỉnh tăng giá khám bệnh, ở tuyến xã từ 1000 công 1 lần tiền khám tăng lên 4000 - 7000 và ở tuyến trung ương từ 3000 tăng lên khoảng 20.000. Thứ hai là giá giường bệnh từ 10.000 tăng có thể đến 80.000 đối với tuyến cao và đã làm cho giá tăng.
“Sự tăng này ít nhiều ảnh hưởng đến một số nhóm đối tượng, như người nghèo, người chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số thì đã được Chính phủ mua thẻ BHYT. Chính phủ cũng có sự hỗ trợ cho những người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn khoản phải đồng chi trả ng bệnh mãn tính, ung thư, chạy thận. Hơn 30% dân chưa có thẻ BHYT là những người có điều kiện hoặc họ vào khám khoa dịch vụ, hoặc đi nước ngoài, hoặc chữa ở bệnh viện tư thì chúng tôi nghĩ phương cách tốt nhất là tất cả đều tham gia BHYT. Trong tháng tới Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ một đề án tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng hi vọng với sự nỗ lực các đại biểu Quốc hội giám sát thúc đẩy các địa phương, gần đây Chính phủ cũng ra quyết định hỗ trợ người cận nghèo 70%, nhiều địa phương đã bỏ ra 30% để mua bảo hiểm y tế cho toàn dân.
“Bảo hiểm y tế toàn dân, đây là một khát vọng rất cháy bỏng nhưng cũng đầy thách thức đối với những nước đang phát triển. Việt Nam cố gắng đến năm 2020 đạt ít nhất 80%, hiện nay đã phủ 68%. Mệnh giá của chúng ta rất thấp là hơn 500.000đ nhưng gói dịch vụ của chúng ta rất tốt, kế cả can thiệp tim mạch, kể cả bệnh ung thư, rất nhiều bệnh nhân ung thư chữa chạy mất hàng tỷ đồng mà bảo hiểm cũng thanh toán”, Bộ trưởng nói.
“Nhức nhối” thực phẩm bẩn
Thứ nhất, có tình trạng nhập lậu và không phải đường chính ngạch của các thực phẩm qua biên giới mà trên báo chí đã nêu. Những phát hiện này thông thường rất khó và chúng tôi cũng phải phối hợp chặt chẽ với các công an, cảnh sát môi trường để trong những xe chở hàng chất dưới đó là các thực phẩm đã nhiễm bẩn.
Thứ hai, về vấn đề hóa chất thực vật, đây là nhận thức của người dân.
Thứ ba, các hóa chất cũng như phụ gia thực phẩm đưa vào sản xuất, đấy là những người sản xuất đã tham lợi. Việc này chúng tôi đã tăng cường thanh tra cùng với các Chi cục thanh tra chuyên ngành và thanh tra của bên Bộ Công thương và của Bộ Nông nghiệp đều phối hợp. Báo cáo chắc là nghị định nó ra đời cùng với nghị định xử phạt và hiện nay chúng tôi đang làm một thông tư kết hợp chặt chẽ với Bộ Công an. Trong thời gian tới sẽ tăng cường giám sát. Tuy nhiên với an toàn thực phẩm là đã có Ban chỉ đạo quốc gia và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì cũng đều đặn 3 tháng họp một lần và giao ban trực tuyến với các địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng một đề án là chuỗi an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
“Chúng tôi cũng đưa ra một nghị định xử phạt rất nặng, đặc biệt sẽ rút giấy phép điều kiện kinh doanh và đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, tất cả những nhà sản xuất không đạt yêu cầu một cách công khai để người dân từ chối sản phẩm. Có lẽ đấy là giải pháp mạnh nhất, còn nếu theo nghị định xử phạt thì với mức tiền như hiện nay thì không có tính chất được răn đe”, Bộ trưởng nói
Tú Anh