Gặp họa vì tắm trắng

TS Nguyễn Viết Lượng, Trung tâm Điều trị Da liễu Thẩm mỹ (Viện Bỏng Quốc gia) cho biết, gần đây, Viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều người là nạn nhân của kiểu làm đẹp tắm trắng, tẩy trắng, thậm chí có bệnh nhân đã tử vong.

Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân dùng thuốc tẩy trắng da. Ảnh: T.H.

Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân dùng thuốc tẩy trắng da. Ảnh: T.H.

 

Viện Bỏng Quốc gia vừa tiếp nhận một phụ nữ trong tình trạng khắp người ngứa ngáy, nổi mụn nước li ti, da mặt đen thui như Bao Công.

 

Trước đó, bệnh nhân sử dụng dịch vụ tắm trắng ở một spa chuyên về chăm sóc da tại Hà Nội với giá hàng chục triệu đồng cho một liệu trình tắm trắng.

 

Đến ngày thứ ba của liệu trình, cơ thể xảy ra phản ứng với sản phẩm dùng để tắm trắng.

 

Trước đó, bác sĩ Lượng điều trị cho bệnh nhân N.T.H (30 tuổi, ở Sơn La) cũng là nạn nhân của tắm trắng tại cơ sở thẩm mỹ viện.

 

Hóa chất sử dụng để tắm trắng khiến toàn bộ da trên cơ thể của H. bị mẩn đỏ, rỉ nước gây đau, xót. Mất ba tuần nằm điều trị tại Viện Bỏng, H. mới được xuất viện.

 

Còn làn da nâu trước đó của cô đã trở nên đen nhẻm, nhem nhuốc và sần sùi do tác hại của hóa chất tẩy trắng.

 

Một người chuyên làm nghề tẩy trắng da tại thị xã Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) từng gọi điện cầu cứu bác sĩ Lượng điều trị cho nhiều khách hàng và cũng là nạn nhân của dịch vụ tẩy trắng do chị ta cung cấp.

 

Người này chuyên mua sản phẩm tẩy trắng, tắm trắng da từ Trung Quốc, Đài Loan được bán với giá vài trăm ngàn một cân, đựng trong bọc nilon.

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết màu sắc da của mỗi người tuỳ thuộc số lượng tế bào hắc tố melanin có sẵn ở lớp thượng bì do di truyền.

 

Nếu tiếp xúc nhiều với ánh nắng, dưới tác động của tia cực tím, lớp mầm sẽ tăng sinh lượng tế bào hắc tố melanin và đẩy dần lên trên bề mặt da khiến da trở nên đen sạm.

 

Tắm trắng thực chất chỉ là sử dụng mỹ phẩm để lột bỏ lớp da đen chết bên ngoài nằm trong lớp sừng. Trong khi đó, các tế bào hắc tố melanin vẫn được lớp mầm của thượng bì sản sinh và tái tạo màu da ban đầu liên tục. Do đó, tắm trắng không thể thay đổi số lượng melanin trong tế bào.

 

TS. Nguyễn Viết Lượng cho hay, những loại kem tẩy trắng mà bệnh nhân mang tới cho bác sĩ xem đều là hóa chất chứ không phải sản phẩm làm hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên, do đó nguy cơ gây dị ứng cho cơ thể rất lớn.

 

Những loại kem tẩy trắng này được chỉ định bôi trực tiếp lên da, sau đó tắm kỹ lại bằng nước sạch. Hóa chất trong kem tẩy trắng khiến da bỏng rộp, nhiễm trùng da, phổi bị ứ nước, tức ngực, nôn mửa nhiều. Có bệnh nhân bị suy thận, suy gan.

 

“Không ít bệnh nhân đến Viện Bỏng Quốc gia để khắc phục hậu quả do tắm trắng, tẩy trắng là dược sĩ cao cấp, chuyên gia trang điểm, chuyên gia thẩm mỹ”, TS Nguyễn Viết Lượng, Trung tâm Điều trị Da liễu Thẩm mỹ (Viện Bỏng Quốc gia)

Theo bác sĩ Quang, những loại kem được quảng cáo với lời giới thiệu là tắm trắng thực chất là kem lột, tẩy lớp tế bào biểu bì trên cùng bị đen hoặc sạm màu do tác động của môi trường.

 

Sau khi sử dụng những kem này, lớp da bên trong còn non nên nhìn có vẻ trắng sáng, mịn màng nhưng lại chưa có khả năng bảo vệ tự nhiên và nhạy cảm với bức xạ mặt trời nên dễ tổn thương.

 

Nguy hại hơn, những vùng da đó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ khiến nguy cơ mắc thêm các bệnh về da, thậm chí bị ung thư da.

 

Hiện nay, nhiều phương pháp tắm trắng sử dụng các hoá chất bao gồm các thành phần như thuỷ ngân, hydroquinone, corticoid, acide salicylique, iode có tác dụng làm tiêu huỷ lớp sừng ở tầng thượng bì, khiến lớp non lộ ra, mang lại cảm giác trắng sáng. Tuy nhiên, chúng lại tiềm ẩn nguy cơ ung thư da cao, không tốt cho sức khoẻ.

 

Trên thị trường hiện nay không khó để tìm mua được các lại kem tẩy trắng, tắm trắng. Tuy nhiên, tác dụng và tác hại của nó thế nào thì người tiêu dùng vẫn còn rất lơ mơ.

 

TS. Lượng khuyến cáo những chương trình tắm trắng có pha thuốc tẩy trắng là loại có hại cho sức khỏe (thường có trong chương trình tắm trắng cấp tốc và tại cơ sở không uy tín), vì thuốc tẩy trắng có chứa thành phần hóa chất độc hại, có thể gây viêm loét da, vàng lông hay nặng hơn là ung thư da.

 

Theo Thái Hà

Tiền phong