1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gần 6000 ca nạo phá thai vị thành niên mỗi năm

(Dân trí) - Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2010 cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.000 ca là vị thành niên. Đến năm 2015, trong tổng số gần 280.000 ca phá thai thì có khoảng hơn hơn 5.500 ca là trẻ vị thành niên.

Con số trên được ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, cho biết tại hội thảo về dân số chiều 5/7, với chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”.

Theo ông Dương, trong những năm qua, tỷ lệ mang thai, phá thai vị thành niên có giảm nhưng vẫn tương đối cao.

Theo đó, tỷ lệ mang thai vị thành niên nước ta năm 2010 là 3,24%, 2012 là 3,24%; 2013 giảm 3,21%; 2014 2,78% và 2015 là 2,66%. Trong hơn 180.000 ca phá thai năm 2015 thì có hơn 5.500 ca là trẻ vị thành niên. Bên cạnh đó, trong tổng số ca đẻ năm 2015 thì có hơn 42.000 ca là vị thành niên, chiếm hơn 3,5%.

Tuy nhiên, đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể con số ở các cơ sở y tế tư nhân bởi nhiều người với tâm lý e ngại nên không dám đến các cơ sở y tế công để nạo hút thai mà lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân. Vì thế, theo các chuyên gia, con số thực tế về nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy tỉ lệ nạo phá thai trẻ vị thành niên chiếm đến gần 20% số ca nạo phá thai trong cả nước.

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo việc mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề. Vì ở lứa tuổi quá nhỏ, thể chất cũng như tinh thần chưa được phát triển ổn định, chưa sẵn sàng làm mẹ nên những em bé sinh ra từ những người mẹ vị thành niên sẽ thiệt thòi hơn các trẻ khác. Còn với nạo phá thai khi còn nhỏ tuổi cũng là vấn đề đe dọa sức khỏe, thậm chí để lại di chứng vô sinh sau này.

Theo ông Dương, có nhiều yếu tố dẫn đến việc mang thai, phá thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên. Trong đó, nguyên nhân phần lớn là do các em chưa được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục. Nhiều bậc cha mẹ ngại nói về chủ đề nhạy cảm này với con cái, thậm chí tránh nhắc đến vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Trong hệ thống trường học, việc dạy sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính mới chỉ được lồng ghép vào các môn học nhưng còn hình thức, theo “kiểu cưỡi ngựa xem hoa”.

Không chỉ là vấn đề mang thai, phá thai vị thành niên, mà theo tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hóa gia đình, trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa.

Theo số liệu toàn cầu, trong năm 2015, số trẻ em kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất rơi vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 59 triệu em; tiếp sau là Đông Á và Nam Á… Bên cạnh đó, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi từ 15-17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca. Tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15-19 tuổi…Những số liệu này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nước trên thế giới về tình trạng tảo hôn của trẻ em gái vị thành niên.

Cũng tại hội nghị, chuyên gia cho biết dân số Việt Nam hiện chạm mốc 92 triệu dân, đứng hàng 14/283 trên thế giới, đứng thứ 8 Châu Á và thứ 3 Đông Nam á. Với dân số đông, hiện mật độ dân số Việt Nam là 274 người/1 km2, gấp 5,2 lần mật đố dân số thế giới.

Tú Anh