Gần 5.000 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở phía Nam đã bị tiêu hủy

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 1 tháng, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 8 tỉnh thành phía Nam với 59 điểm có dịch, hơn 4.840 con lợn bị tiêu hủy. Việc các lò mổ lậu thu gom lợn chết về chế biến, người dân "ém" thông tin về lợn bệnh càng khiến dịch lan rộng hơn.

Gần 5.000 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở phía Nam đã bị tiêu hủy - 1
Trước thực trạng DTLCP lan rộng, các địa phương đều đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn dịch lan rộng.

Sáng 25/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị "Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi các tỉnh phía Nam" tại TP HCM. Do đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chăn nuôi nên nhiều lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam đã đến tham dự.

Theo thống kê từ Bộ NN&PTNN, gần một tháng qua, Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan rộng đến 8 tỉnh thành ở khu vực phía Nam. Các tỉnh có dịch gồm Đồng Nai (2.181 con), Bình Phước (377 con), Bình Dương (1.096 con), Vĩnh Long (123 con), An Giang (27 con), Đồng Tháp (187 con), Kiên Giang (33 con). Hiện, tổng số lợn bệnh gồm 4.840 con đã được lực lượng chức năng tiêu hủy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng DTLCP lan rộng chủ yếu do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn vệ sinh chuồng trại cho vật nuôi. Nhiều hộ nuôi heo vẫn chưa hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của DTLCP nên chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi sinh học để phòng chống dịch bệnh. Tình trạng giết mổ lậu, các cơ sở giết mổ mua heo chết về chế biến, các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt khiến tình trạng bệnh dịch lan rộng.

Cùng với đó, nhiều địa phương chưa triển khai tốt công tác vệ sinh, sát trùng, tiêu độc cho các hộ chăn nuôi lợn. Việc phân bổ hóa chất sát trùng, vôi bột cho người dân cũng được triển khai chậm. Nhiều địa phương chưa đảm bảo đủ yêu cầu kỹ thuật về an toàn sinh học trong việc kiểm tra, tiêu hủy lợn bệnh cũng là nguyên nhân dịch bệnh lan nhanh. 

Gần 5.000 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở phía Nam đã bị tiêu hủy - 2
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết DTLCP gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Để sớm ngăn ngừa DTLCP, Bộ NN&PTNN yêu cầu các tỉnh thành cần quyết liệt hơn nữa công tác phòng ngừa bệnh. Cụ thể, từ khâu giám sát vận chuyển, tiêu độc khử trùng, tuyên truyền cho người dân về vệ sinh an toàn sinh học cần phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Cùng với đó, các tỉnh thành cũng cần có những chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân tại các cơ sở nhiễm CTLCP.

Trước sự cấp bách trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Dịch tả lợn Châu phi là bệnh dịch nguy hiểm và thiệt hại nhất cho ngành nông nghiệp. Dù không ảnh hưởng đến người nhưng đây là dịch bệnh có khả năng lây lan rất nhanh trong đàn lợn. Hiện, DTLCP vẫn chưa có vacin điều trị nên việc phòng ngừa là hết sức cần thiết vì nó thiệt hại đến người dân và doanh nghiệp nuôi lợn. Hiện nay, các tỉnh phía Nam đã vào mùa mưa nên khả năng lây lan bệnh càng cao. Đặc biệt, với đặc thù ở các tỉnh miền Tây thì diễn biến dịch bệnh càng bất thường. Thời gian qua, các tỉnh thành đã làm tốt công tác dập dịch nhưng việc ngăn ngừa càng cần phải làm mạnh và cấp thiết hơn".

Có mặt tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam cũng cho biết đã và đang triển khai cấp thiết các giải pháp mà Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo. Cùng với đó, các tỉnh thành cũng đang lên các phương án hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để người dân sát cánh cùng các sở ban ngành ngăn chặn DTLCP.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi “sát nách”, Bạc Liêu khẩn trương phòng, chống

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các ngành, chức năng lập trạm, chốt kiểm dịch tại huyện Hồng Dân (giáp ranh tỉnh Hậu Giang) để kiểm tra lợn và các sản phẩm từ lợn nhập vào tỉnh. Kiểm tra các cơ sở, hộ chăn nuôi khu vực giáp ranh Hậu Giang, những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao.

Trong đó, khẩn trương xây dựng, thực hiện kịch bản ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại huyện Hồng Dân.

Gần 5.000 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở phía Nam đã bị tiêu hủy - 3

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại một số tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Hậu Giang- địa bàn giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh minh họa)

Yêu cầu Công an, Bộ Chỉ huy quân sự,… sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, chết, kịp thời trong vòng 24h theo quy định.

Chủ tịch tỉnh lưu ý các địa phương cần chủ động phát hiện sớm, tuyên truyền người dân, người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi.

“Khi phát hiện lợn bệnh, báo cáo ngay với nhân viên thú y địa phương để xác định tác nhân gây bệnh, xử lý kịp thời, tránh tình trạng vứt xác lợn bệnh chết ra môi trường làm ô nhiễm, không để dịch bệnh lây lan”, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo rõ.

Xuân Hinh - Huỳnh Hải