1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

F0 tại nhà tự uống kháng sinh: Vừa không tác dụng, vừa hại gan thận

Nam Phương

(Dân trí) - Theo bác sĩ thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus. Vì thế những F0 triệu chứng nhẹ, không nên tự ý uống tránh lạm dụng vừa mệt người lại hại gan, thận.

Thấy có biểu hiện hắt hơi, rát họng, chảy nước mũi, chị Minh Anh (40 tuổi, Hà Nội) thử test thì thấy lên 2 vạch. Lúc này, một người bạn từng làm F0 đưa cho chị một đơn thuốc và bảo mua theo, nhanh âm, triệu chứng hết nhanh. 

"Nghĩ triệu chứng của mình chưa có gì, nhưng sợ tiến triển nặng nên tôi cũng nhờ người nhà đi mua theo đơn. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ tôi mới tá hỏa khi trong đơn có đến 2 loại kháng sinh và một loại corticoid", chị Minh Anh nói. 

Chị cho biết bản thân mua về để phòng chứ chưa dám uống vì thấy các triệu chứng của mình chỉ giống cúm. 

F0 tại nhà tự uống kháng sinh: Vừa không tác dụng, vừa hại gan thận - 1

Ảnh minh họa: I.D,

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết trước hết cần phải khẳng định Covid-19 là bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra và thuốc kháng sinh thì không có tác dụng với virus. 

Thực tế, một số trường hợp cần sử dụng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Khi cơ thể bị nhiễm virus, sức đề kháng giảm, nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ cao hơn.

Với các bệnh nhân nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn đã kém thì nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn là có. Những F0 lúc bình thường hay viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang... cũng nên cân nhắc sử dụng kháng sinh sớm để dự phòng. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ một loại dự phòng là đủ và điều quan trọng là cần có sự chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý uống.

"Thậm chí một số người, dù không có các nguy cơ trên, vẫn cứ theo các đơn thuốc truyền tai nhau, uống cùng lúc đến 2 loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Việc lạm dụng kháng sinh về cơ bản không gây chết người như kháng viêm corticoid, nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công", BS Hoàng cho biết. 

Ngoài ra, theo ông nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn, các thuốc đó không còn tác dụng.

Theo bác sĩ, đa số các F0 đợt này có đau rát họng, sưng họng. Vì thế, người bệnh không cần vội vã dùng kháng sinh (không có tác dụng với virus) hay kháng viêm corticoid (giúp đỡ sưng đau nhưng lại khiến virus nhân lên mạnh hơn, nhiều tác dụng phụ nguy hiểm), mà điều trị triệu chứng. Chẳng hạn sốt thì uống thuốc hạ sốt, ho thì có các bài thuốc giảm ho, viên ngậm giảm ho, súc họng… 

Nếu có nhiễm khuẩn, cần hỏi ý kiến bác sĩ để dùng kháng sinh. Lưu ý, một khi đã dùng cần dùng liều đủ mạnh, sau đó có thể giảm dần liều. Dùng thuốc cũng khiến hệ vi khuẩn ruột bị tổn thương, nên phải bổ sung men tiêu hóa. 

Hướng dẫn điều trị của Bộ cũng nêu rõ, các trường hợp không triệu chứng hoặc nhẹ không cần dùng kháng sinh, những trường hợp trung bình có thể cân nhắc. Ngoài ra, các trường hợp nặng và nguy kịch đều có chỉ định dùng kháng sinh. 

Dưới đây là danh mục các thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà:

 - Thuốc hạ sốt, giảm đau

Paracetamol:

+ Cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg;

+ Cho người lớn: viên nén 250 mg hoặc 500 mg.

- Thuốc kháng virus: lựa chọn một trong các thuốc sau: 

+ Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên).

+ Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên).

- Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:

+ Dexamethason 0,5 mg (viên nén).

+ Methylprednisolon 16 mg (viên nén).

- Thuốc chống đông máu đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:

+ Rivaroxaban 10 mg (viên).

+ Apixaban 2,5 mg (viên). 

Lưu ý thuốc kháng virus, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu

- Thuốc kháng virus dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc Covid-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ưu tiên sử dụng cho những trường hợp có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vaccine, có bệnh nền không ổn định…

- Chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh Covid-19 có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19.