1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

F0 liên tục vượt đỉnh, Hà Nội có gần 1.000 ca Covid-19 nặng, nguy kịch

Minh Nhật

(Dân trí) - Tối 26/2, Sở Y tế Hà Nội thông tin, trên địa bàn đã phát hiện thêm 10.783 ca dương tính SARS-CoV-2. Đây cũng là ngày Hà Nội ghi nhận nhiều F0 nhất từ trước đến nay.

Hà Nội có 964 F0 nặng, nguy kịch

Như vậy, kể từ khi đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) bùng phát, Hà Nội đã có 250.757 bệnh nhân Covid-19. Tính riêng giai đoạn Thủ đô bắt đầu chiến lược "thích ứng Covid-19" đã có 246.719 F0 được ghi nhận.

Các địa bàn phát hiện nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất bao gồm: Hoàng Mai (18.061 ca), Đông Anh (14.747 ca), Đống Đa (14.676 ca), Nam Từ Liêm (13.862 ca), Long Biên (11.857 ca).

F0 liên tục vượt đỉnh, Hà Nội có gần 1.000 ca Covid-19 nặng, nguy kịch - 1

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật đến 26/2, Hà Nội có 459.363 bệnh nhân điều trị tại nhà, 1.141 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 5.915 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 3.870 F0 ở mức độ trung bình, 964 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 848 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 19 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 58 ca thở máy không xâm lấn; 36 ca phải thở máy xâm lấn; 2 ca lọc máu, một ca can thiệp ECMO.

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong ghi nhận tại Hà Nội từ khi dịch bùng phát đến nay là 1.073 ca.

F0 "bùng nổ", Hà Nội xuất hiện 74 vùng cam

F0 liên tục vượt đỉnh, Hà Nội có gần 1.000 ca Covid-19 nặng, nguy kịch - 2

UBND TP Hà Nội đã phát đi thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, cập nhật đến 9h ngày 25/2.

Theo đó, với các tiêu chí về mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng toàn thành phố ở quy mô cấp xã, phường, thị trấn, Hà Nội hiện còn lại 283 địa phương dịch cấp độ một (tức vùng xanh); 222 địa phương ở cấp độ 2 (tức vùng vàng) và 74 địa phương có dịch ở cấp độ 3.

Như vậy, kể từ khi Bộ Y tế đưa ra tiêu chí mới để xác định cấp độ dịch, Hà Nội đã ghi nhận 74 vùng cam. Trong tuần này, TP Hà Nội vẫn chưa ghi nhận địa phương nào có dịch ở cấp độ 4.

Theo UBND TP Hà Nội, trong tuần qua có 74 xã, phường, thị trấn dịch diễn biến phức tạp, đánh giá cấp độ dịch từ mức cấp độ 3 trở lên, nằm rải rác ở 23 quận huyện, gồm: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Đống Đa, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Sóc Sơn, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thanh Xuân và Thường Tín.

Giảm tối đa ca tử vong là ưu tiên hàng đầu

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn về việc tăng cường các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội; Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã; Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập.

Đáng chú ý, Sở Y tế nhấn mạnh việc điều trị toàn diện, phân tầng, phân tuyến, phân luồng, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; đảm bảo công tác quản lý, thu dung, điều trị cho người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố; rà soát và bổ sung giường điều trị cho người nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện của thành phố đáp ứng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tập trung đảm bảo giường điều trị tầng 2, tầng 3 cho người bệnh mức độ trung bình, nặng, nguy kịch nhằm giảm tỉ lệ chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong. Tăng cường các biện pháp giảm tử vong (tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến, quản lý sớm, dùng thuốc sớm cho bệnh nhân, bố trí nguồn lực hợp lý, đảm bảo phương tiện hồi sức tích cực). Phối hợp với các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành để bố trí giường bệnh thu dung điều trị Covid-19 hỗ trợ Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai tiêm chủng "thần tốc hơn nữa"; tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa xuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm vào công tác tiêm chủng vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm liều cơ bản, liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong Quý I năm 2022. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.