1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dùng thuốc trong bệnh dị ứng

Dị ứng là hiện tượng giải phóng histamin hay còn gọi là một phản ứng khác thường của cơ thể với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như hắt hơi sổ mũi, nổi mề đay, mẩn ngứa co thắt cơ trơn khí - phế quản dẫn đến khó thở, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân gây ra dị ứng rất đa dạng có thể do thức ăn, dược phẩm, mỹ phẩm, bụi phấn hoa, lông động vật như chó, mèo, hoặc do thời tiết...

 

Trong cơ thể luôn có sự cân bằng giữa histamin tự do và histamin kết hợp nên không có biểu hiện có hại cho cơ thể nhưng khi có dị nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể thì sẽ xảy ra tình trạng giải phóng histamin, làm cho lượng histamin tự do tăng cao đột ngột dẫn đến các biểu hiện mà ta gọi là dị ứng.

 

Histamin H1 là một thụ thể nằm rải rác ở các thành mạch máu, nhất là các thành mạch máu nhỏ ở ngoại biên, ở cơ trơn khí - phế quản... Khi hiện tượng histamin giải phóng gây giãn động mạch, nhất là động mạch nhỏ, làm tăng tính thấm của mao mạch, gây thoát dịch, phù nề, sung huyết, tăng co bóp cơ trơn của khí - phế quản, làm tăng tiết nước bọt, nước mắt...

 

Các thuốc kháng histamin (chống dị ứng) là các thuốc có tác dụng kháng histamin bằng cơ chế tranh chấp với histamin ở thụ thể H1 trong cơ thể đẩy histamin ra khỏi thụ thể H1. Khi đó, biểu hiện lâm sàng của dị ứng không còn nữa. Do đó, các thuốc kháng histamin được gọi là thuốc chống dị ứng.

 

Tuy nhiên các thuốc chống dị ứng thông thường chỉ có tính chất chữa triệu chứng mà không điều trị tận gốc được nguyên nhân gây bệnh nên khi dùng thuốc đồng thời phải tìm ra nguyên nhân gây dị ứng thì việc điều trị mới mang lại hiệu quả cao. Ngoài các thuốc đã được xếp vào nhóm kháng histamin còn có một số thuốc cũng có tác dụng chống dị ứng như corticoid, adrenalin...

 

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại nhưng chỉ định giống nhau tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà thầy thuốc kê thuốc cho phù hợp nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, mề đay, mẩn ngứa, co thắt khí - phế quản gây khó thở... Dựa vào tính chất tác dụng dược lý có thể chia ra các loại sau:

 

- Các thuốc kháng histamin thế hệ 1: có nhược điểm là gây buồn ngủ, khô miệng, liều dùng phức tạp vì phải dùng nhiều lần trong ngày nên hiện nay ít được sử dụng.

 

- Các thuốc kháng histamin thế hệ 2: về cơ bản là vượt trội các thuốc thế hệ 1, liều dùng đơn giản hơn thông thường là một lần trong ngày nhưng cũng còn một số hạn chế như ảnh hưởng đến chức năng gan, có thể gây buồn ngủ nhẹ.

 

- Các thuốc kháng histamin thế hệ 3 (như fexofenadin) hoàn toàn không gây ngủ, không ảnh hướng tới gan và liều dùng đơn giản chỉ 1 lần/ngày. 

 

Theo DS. Lê Thục Lan
Sức khỏe và Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm