Anh:
Dùng thủ thuật forcep, 1 trẻ sơ sinh tử vong
(Dân trí) - Với hàng mi dài và mái tóc đen, Alexandra được mẹ Beatrix mô tả là “xinh đẹp nhất trong những gì đẹp đẽ nhất”. Tuy nhiên, sau khi chào đời 3 ngày, trái tim nhỏ bé đã ngừng đập mãi mãi.
Em bé kém may mắn?
Ảnh chụp bé Alexandra trước lúc mất
Khi bắt đầu chuyển dạ được 3 tiếng, cảm thấy mệt lử và kiệt sức, Beatrix năn nỉ được sinh mổ nhưng không được. 7 tiếng sau đó, các bác sĩ đã phải áp dụng thủ thuật kẹp forceps để bé Alexandra chào đời.
Bé Alexandra đã được áp dụng kỹ thuật forceps Kielland (Forceps Kielland thường dùng khi đầu thai đã lọt ở kiểu thế ngang, lọt bất đối xứng). Không như các kiểu kẹp forceps khác, được dùng để đẩy nhanh tốc độ chuyển dạ do bị kẹt ở cuối sàn chậu, kiểu forceps Kielland sẽ xoay đầu đứa trẻ đang bị mắc kẹt sang 1 bên. Thủ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải rất khéo léo, cựu chuyên gia sản phụ khoa ở Bệnh viện Queen Charlotte (London) cho biết.
Tuy nhiên, ngay khi bé chào đời là một sự im lặng đáng sợ. Bé không hề khóc và bác sĩ đã phải chuyển bé ngay sang phòng hồi sức cấp cứu vì bé không thể tự thở. Ba ngày sau, bác sĩ đề nghị phẫu thuật cho cô bé nhưng 2 vợ chồng chị Beatrix từ chối vì sợ rằng bé sẽ chết trên bàn mổ lạnh lẽo. Craig đã ôm Alexandra trên tay suốt 2 tiếng cho tới tận khi trái tim nhỏ bé ngừng đập.
Theo các bác sĩ ở TT Sản phụ khoa Royal Infirmary Edinburgh, “em bé là không may mắn, rất không may mắn”.
Những uẩn khúc
Beatrix và Craig chưa nguôi nỗi thương nhớ đứa con bạc mệnh
“Khi lấy chiếc chăn vẫn quấn Alexandra từ chiếc túi đựng đồ của Beatrix, tôi hiểu rằng đây là nỗi buồn lớn nhất trong đời tôi bởi sẽ chẳng bao giờ tôi còn cần đến nó nữa”, cha cô bé, giảng viên tâm lý đại học Craig Campbell xúc động nói.
“Rời khỏi bệnh viện mà lòng tôi tan nát, đứa con khỏe mạnh của tôi mãi mãi không còn bên tôi nữa”, Beatrix òa lên nức nở.
Theo bố mẹ của Alexandra, bé tử vong là do vết thương nghiêm trọng ở cột sống mà thủ phạm chính là những sai lầm trong áp dụng thủ thuật kẹp forcep. Họ tin rằng cô bé là nạn nhân của sự tắc trách và quyết tâm giảm tỉ lệ sinh mổ đang gia tăng tại các bệnh viện.
Chị Beatrix, 32 tuổi, cho biết: “Ngành y tế cũng đã có những cảnh báo là kẹp forceps có thể dẫn tới thâm tím hay rộp da ở 1 số vùng trên đầu đứa trẻ nhưng tại nơi tôi sinh thì hoàn toàn không có cảnh báo nào và những hướng dẫn trong áp dụng thủ thuật này cũng rất mơ hồ”.
2 vợ chồng đã tự tìm hiểu về forceps và phát hiện ra rằng tử vong hay những thương tổn nghiêm trọng là rất hiếm gặp.
Thực tế, nghiên cứu từ thế kỷ 18 cho thấy tỉ lệ lớn các bà mẹ và trẻ sơ sinh đã được áp dụng phương pháp này. Nghiên cứu gần đây xác định phương pháp trợ sinh có nguy cơ gây tổn thương cao hơn các phương pháp khác, bao gồm cả mổ đẻ. Hơn 1 thập kỷ qua, đã có những khuyến cáo về việc sử dụng kỹ thuật này trên toàn thế giới.
“Để dùng forceps an toàn thì kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn phải rất vững. Điều này có nghĩa rằng người thực hiện phải giỏi, nếu không muốn nói phải là những phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm”, nhà phẫu thuật Atul Gawande, phụ trách về Phẫu thuật an toàn của tổ chức Y tế thế giới, cho biết. “Nếu tìm kiếm phương pháp chuyển dạ an toàn cho mọi đứa trẻ, cần phải chú ý tới các báo cáo về những trường hợp tổn thương cho cả mẹ và bé do kẹp forceps”.
Đã 8 tháng trôi qua, 2 vợ chồng anh Craig Campell vẫn tiếp tục hy vọng sẽ có một cuộc điều tra độc lập về cái chết của con gái khi các bác sĩ của bệnh viện này tuyên bố: “Không thể nói gì cho tới khi cuộc điều tra kết thúc”.
Nhân Hà
Theo DM