1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dùng nước súc miệng dính nồng độ cồn: Giải pháp là gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Một tài xế sau khi dùng nước súc miệng để khử mùi thuốc lá đã có kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở ở mức 0,072mg/lít khí thở.

Nhiều loại nước súc miệng trên thị trường hiện nay trong thành phần có chứa cồn. Do đó, theo các chuyên gia sau khi sử dụng sản phẩm này có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, dù chỉ ở mức rất thấp.

Trong một bài báo khoa học được công bố, nhóm tác giả Modell, Taylor, Lee đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá tác động của việc sử dụng nước súc miệng có chứa cồn tác động thế nào đến kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở.

Nhóm tác giả đã cho các tình nguyện viên súc miệng bằng 3 sản phẩm nước súc miệng có chứa cồn phổ biến, với hàm lượng cồn theo công bố của nhà sản xuất là 26,9%, 18,9% và 6%.

Dùng nước súc miệng dính nồng độ cồn: Giải pháp là gì? - 1

Nhiều loại nước súc miệng trên thị trường hiện nay trong thành phần có chứa cồn (Ảnh: Getty).

Sau đó, nhóm tác giả tiến hành đo nồng độ cồn trong hơi thở vào các mốc thời gian 2, 4, 6, 10 và 15 phút sau khi súc miệng.

Theo kết quả nghiên cứu, kể từ mốc đo nồng độ cồn ở phút thứ 2 sau khi sử dụng nước súc miệng, hàm lượng cồn đo được trong hơi thở đã giảm theo cấp số nhân.

Kết quả đo được ở thời điểm 10 phút sau khi sử dụng nước súc miệng đã ở mức rất thấp và dưới vi phạm ở nước sở tại.

"Sự biến mất của nồng độ cồn trong hơi thở sau khi sử dụng nước súc miệng rất nhanh. Do đó, việc sử dụng nước súc miệng sẽ không gây ra sự tác động thực tế, đối với độ chính xác của việc xác định nồng độ cồn trong máu bằng phân tích hơi thở", nhóm tác giả kết luận.

Trả lời Dân trí trước đó, TS Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, đối với nước súc miệng có chứa cồn, chỉ cần đơn giản là sử dụng nước lọc súc miệng lại sẽ không còn cồn trong hơi thở.

Bên cạnh nước súc miệng, việc ăn các thực phẩm có lên men rượu như: sữa chua nếp cẩm, nước trái cây lên men; món ăn có sử dụng rượu khi chế biến như: cá hấp bia, thịt sốt rượu vang… hay thậm chí các loại siro ho, dung dịch xịt thơm miệng cũng có thể gây nồng độ cồn trong hơi thở.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, vì hàm lượng ethanol trong các thực phẩm kể trên là rất nhỏ, nên chỉ mất khoảng 20 - 30 phút là cơ thể có thể chuyển hóa hết.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, vào 20h42, ngày 24/5, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) phát hiện tài xế N.V.H. (38 tuổi, quê Nghệ An), điều khiển xe máy mang BKS 37L1-533.xx, có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe.

Dùng nước súc miệng dính nồng độ cồn: Giải pháp là gì? - 2

Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn với anh H. (Ảnh: Trần Thanh).

Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện anh H. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,072mg/lít khí thở.

Khi được tổ công tác thông báo mức vi phạm, anh H. tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và phản ứng lại. Anh này cho rằng, bản thân vừa đi công tác ở Hưng Yên về. Trên đường đi do có hút thuốc, mà nhà lại đang có con nhỏ, anh H. sợ bị vợ mắng nên đã dùng nước súc miệng Listerine để cho hết mùi thuốc lá.

Sau khi nghe anh H. giải thích, tổ công tác đã đưa người và phương tiện vào chốt làm việc. Tại đây, tổ trưởng tổ công tác cho anh H. ngồi nghỉ ngơi 15 phút và dùng nước lọc.

Sau đó, cảnh sát tiếp tục kiểm tra nồng độ cồn với anh H. thì kết quả cho thấy anh này không có nồng độ cồn trong hơi thở. Cảnh sát sau đó đã để anh H. trở về nhà.