Đừng liều mình với trò chơi cảm giác mạnh

Những trò chơi mang cảm giác mạnh như tàu lượn siêu tốc, đu quay dây văng... làm sảng khoái cơ thể và giúp giảm stress. Nhưng trước khi quyết định mua một tấm vé chơi trò mạo hiểm, bạn cần có những đo lường chính xác về thể trạng bản thân để tránh những tai nạn đáng tiếc.

 

Nguy cơ luôn rình rập


 

Nguy cơ luôn rình rập

 

Khi tham gia các trò chơi mạo hiểm, tất nhiên người chơi sẽ gặp nguy cơ cao hơn khi tham gia những trò chơi thông thường. Cả cơ thể thường gồng lên để ứng phó với cảm giác mạnh, dễ khiến người chơi gặp phải các chấn thương do gồng cơ. Thường gặp nhất là chứng gồng cơ ở cổ, lưng để giữ thăng bằng, chống lại hiện tượng ly tâm, tác động trọng trường. Gồng cơ có thể gây đau lưng, đau cơ cổ cấp tính cho người chơi.

 

Khi vận động quá mức trong môi trường nóng, thiếu nước, cơ thể chúng ta dễ bị mất nước và điện giải gây đau cơ do chuột rút, tăng thân nhiệt. Ngoài ra, còn có nguy cơ chấn thương do va chạm mạnh, do các dây thắt, nút thắt chưa được cài an toàn khiến người chơi bong gân, trật khớp, gãy xương khi té ngã, bị va đập mạnh.

 

Vận tốc quá cao của trò chơi lúc đưa người ta lên cao vút, hoặc xoay tròn, bị hất ra xa có thể làm cho người chơi ngất do sợ hãi.

 

Nếu người chơi vốn có bệnh nội khoa sẵn như hen phế quản cấp, cao huyết áp cấp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, thì nguy cơ càng lớn.

 

Yếu đừng ra gió

 

Không ai đoán được những hiểm nguy nào có thể xảy ra trong quá trình chơi các trò mạo hiểm. Người chơi tự biết giới hạn của cơ thể, những bệnh lý hoặc khiếm khuyết để tránh tham gia những trò chơi không phù hợp. Các trò cảm giác mạnh luôn nói không với người yếu sức, đang bị cảm cúm hoặc mới hồi phục sau một bệnh tật nào đó. Tất nhiên, nếu bạn là người sợ độ cao, sợ cảm giác mạnh thì tuyệt đối không nên thử thách mình với các trò gây sợ. Những ai bị bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống, trượt đốt sống, hay đang điều trị chấn thương xương khớp cũng nên nói không với những trò trên. Người mắc bệnh lý tim mạch, hen suyễn, chóng mặt, ù tai, rối loạn tiền đình, phụ nữ có thai và các bệnh nội khoa nặng cũng không nên tham gia các trò vận động thể lực quá sức. Với trẻ em dưới sáu tuổi, người lớn chỉ nên cho chơi những trò nhẹ nhàng, không căng thẳng về tâm lý và xác suất chấn thương thấp.

 

Nếu đã quyết định chơi, cần khởi động nhanh toàn thân, đặc biệt là các cơ vùng lưng, bụng và cổ. Nếu chơi vào mùa hè, người chơi cần đề phòng bị sốc nhiệt do nắng nóng và mất nước, điện giải. Vào mùa đông thời tiết lạnh, cần chú ý giữ ấm và làm nóng kỹ cơ thể trước khi tham gia.

 

Nếu có tai nạn, cần kịp thời sơ cứu

 

Không chỉ nhân viên quản lý, trông coi khu vui chơi, cả người chơi cũng cần bỏ túi vài kiến thức chỉ dẫn cách sơ cứu để có thể ứng phó kịp thời một khi tai nạn không may xảy ra. Nếu bệnh nhân bị ngất, hoặc lên cơn nguy kịch về tim mạch hay hen suyễn, người xung quanh nên đưa nạn nhân một cách an toàn ra chỗ khô ráo, thoáng mát. Sau đó, nới lỏng nút quần áo cho bệnh nhân thở dễ dàng và gọi ngay nhân viên y tế của khu vui chơi, hoặc ở cơ sở y tế gần nhất đến cấp cứu cho bệnh nhân.

 

Trong trường hợp bệnh nhân bị vọp bẻ hoặc ngất do tăng thân nhiệt, hãy đưa bệnh nhân ra nơi thoáng mát, khô ráo, cho uống bù nước chanh pha muối loãng, xoa bóp làm giãn cơ, và để bệnh nhân nằm nghỉ yên một chỗ. Nếu tình trạng vẫn không dứt, bệnh nhân bắt đầu lơ mơ nói sảng, phải gọi ngay xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện để truyền dịch.

 

Người chơi bị bong gân, chấn thương phần mềm: cần giúp đưa bệnh nhân tìm chỗ nghỉ ngơi, sau đó chườm đá, băng thun ép vùng chấn thương và kê cao vùng chi bị chấn thương. Sau đó, đưa đi khám ở cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Để phòng bị các chấn thương bong gân, phần mềm, trước khi lên đường du lịch, bạn nên đặt sẵn vào balô các dụng cụ y tế như băng thun ép, túi chườm đá.

 

Bệnh nhân bị gãy xương, trật khớp: dùng thanh gỗ hoặc bìa giấy cứng nẹp tạm vùng chi gãy rồi nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên tự ý nắn, xoa bóp dầu nóng hoặc thuốc rượu sẽ làm tổn thương nặng hoặc gây biến chứng cho vết thương.

 

Trang thiết bị phải an toàn

 

Không ai đoán được những hiểm nguy nào có thể xảy ra trong quá trình chơi các trò mạo hiểm. Người chơi tự biết giới hạn của cơ thể, những bệnh lý hoặc khiếm khuyết để tránh tham gia những trò chơi không phù hợp.

 

Nếu muốn tham gia các trò mạo hiểm, hãy quan sát và chọn lựa những trung tâm, điểm vui chơi an toàn, uy tín. Một khi có dấu hiệu nghi ngờ về độ an toàn của các trang thiết bị cá nhân, người chơi cần ngưng lại, kịp thời thông báo với bộ phận có trách nhiệm điều chỉnh. Cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn và yêu cầu sức khoẻ của trò chơi cho bản thân và người đồng hành. Cần uống đủ nước, nạp năng lượng bằng thức ăn nhẹ trước khi chơi, và nhớ phải phân phối lực, chơi vừa sức, không nên gồng mình liên tục.

 

Chúng ta cũng không lường trước được những tai nạn do điện, hay chấn thương do trang thiết bị không an toàn gây nên. Vì vậy, ở những khu vui chơi, giải trí, trang thiết bị phải được kiểm tra và bảo quản thường xuyên. Nhân viên phục vụ trò chơi cần được cập nhật kiến thức về y tế và an toàn trò chơi. Phổ biến chi tiết các điều cấm đối với đối tượng nhiều nguy cơ bằng phát thanh, truyền hình hoặc bảng nội quy dễ thấy. Quan trọng nhất là phải có đội cứu hộ trò chơi với đầy đủ phương tiện cùng kiến thức, quy trình xử lý sự cố về người. Khu vui chơi phải có phòng y tế với nhân viên y tế và túi sơ cứu cũng như số điện thoại cơ sở y tế gần nhất.

 

Theo BS.CK2 Nguyễn Trọng Anh

Sài Gòn tiếp thị