Đừng ham rẻ với nho Mỹ, táo Úc… bán rong
Đến bất cứ quầy bán trái cây nào, khách hàng cũng dễ dàng nhìn thấy các loại trái cây dán tem nhập ngoại. Thậm chí, nhiều loại quả có vết bị hỏng cũng được dán tem vào đúng chỗ đó để che mắt khách hàng. Trong khi đó, theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì phần lớn những loại trái cây này đều là “hàng nhái”.
Trước đây những loại trái cây nhập ngoại hạng sang như nho Mỹ, táo Mỹ, táo Úc… thường chỉ bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại vì khá kén khách do giá cả đắt đỏ.
Tuy nhiên, hiện nay những loại trái cây có nhãn mác này xuất hiện ở hầu khắp các quầy bán trái cây trên thị trường. Thậm chí chúng xuất hiện ở cả những hàng bày bán vỉa hè với mức giá mềm hơn rất nhiều so với cùng chủng loại bán trong siêu thị.
Chị Trần Thị Thanh Mai (phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường muốn mua trái cây nhập ngoại tôi vẫn vào siêu thị, nhưng hôm đó trời đã gần tối nên tôi đã mua táo Mỹ ở một quầy hàng bên đường. Giá chỉ 90.000 đồng/kg trong khi giá tôi vẫn mua ở siêu thị là trên dưới 200.000 đồng/kg. Không ngờ mang về mới biết táo đã “kém sắc”, một số chỗ thối còn bị dán tem đè vào để che chắn. Những quả có thể dùng được thì khi ăn vị cũng không đậm, đúng vị như trái cây bán trong siêu thị. Từ đó tôi cạch luôn việc chọn trái cây đắt tiền bán ở đường”.
Điều người sành trái cây nhận thấy rõ nhất là tại các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch và cả quầy hoa quả vỉa hè, đa số hoa quả nhập ngoại đều được dán tem bảo đảm. Thế nhưng giá cả mỗi nơi lại chênh lệch nhau dù chúng có chung nước xuất khẩu, mức chênh ít cũng là 20.000- 30.000 đồng/kg, có loại chênh nhau 40.000 – 70.000 đồng/kg.
Khi hỏi mua nho Mỹ nhập khẩu ở một quầy trên vỉa hè đường Hoa Bằng (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi được chị bán hàng đon đả: “Nho Mỹ xịn đấy, mua đi chị bán rẻ cho, ngon và đảm bảo an toàn tuyệt đối”. Nhưng khi chúng tôi hỏi chị nhập quả ngoại từ công ty phân phối nào thì chị bán hàng ậm ừ lảng sang chuyện khác.
Thậm chí ngay xe bán trái cây rong giờ cũng có táo dán tem. Chúng tôi thắc mắc thì được chị Phạm Thị Hằng (chủ xe), ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội giải thích: “Trái cây trong quầy hay đi rong như chúng tôi đều nhập một nơi là ở chợ đầu mối Long Biên. Chỉ có điều họ có điều kiện thuê được cửa hàng nên bán được giá cao còn chúng tôi vốn còm nên phải mang đi bán rong. Trong quầy họ cứ nói là táo Mỹ, táo Úc chứ tôi cứ nói thật, táo này đều nhập ở biên giới về chợ Long Biên cất sỉ”.
Làm giả cả trái cây Việt
Không chỉ “nhái” hàng cao cấp, tình trạng làm giả ngay cả các loại trái cây nội địa cũng đang trở nên phổ biến. Thời gian gần đây, loại quả đang bị nhái nhiều nhất chính là cam Hà Giang - loại cam nhái này có vỏ mỏng, màu xanh, tép màu vàng chanh rất bắt mắt, mọng nước và không có hạt. Loại cam nhái này đang được bán đại trà với mức giá khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg. Vì giá rẻ như vậy nên những sọt cam nhái này bán rất chạy. Ví dụ, như đầu buổi sáng trên đường Hồ Tùng Mậu (đoạn đối diện Quận ủy Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn có cả chục chiếc xe thồ bán loại cam này nhưng chỉ đến gần trưa, những chiếc sọt này đã gần như trống trơn. Tất nhiên để bán chạy như vậy, hầu hết người bán hàng đều khẳng định đây là cam Việt Nam xịn có xuất xứ từ Hà Giang.
Thế nhưng, chính ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang đã “bóc mẽ” chiêu lừa của tiểu thương, khi khẳng định, cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 Dương lịch hằng năm và có hạt, còn cam nhái thì không hạt. Hơn nữa, cam Hà Giang không có giá rẻ như vậy vì ngay tại vườn đã có giá 15.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng tự hại mình
Thực tế, rất nhiều người biết rõ trái cây đó là hàng “nhái” nhưng vẫn mua vì thấy hình thức bắt mắt và giá rẻ, trong khi trái cây thật giá cao quá.
Chị Hà Thị Hồng (thị trấn Cổ Điển, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Thỉnh thoảng tôi vẫn phải mua trái cây đi biếu. Mua trái cây nội thì thấy không “xịn” nên vẫn mua trái cây nhập khẩu. Tôi biết mua trái cây nhập khẩu ở ngoài chất lượng không đảm bảo bằng trong siêu thị nhưng thấy giá rẻ, mẫu mã cũng chẳng khác siêu thị nên cứ mua”.
Theo giải thích của ông Lê Anh Tuấn, nguyên giám đốc Sở Y tế Hà Nội thì thường những loại trái cây có nhãn mác ghi xuất xứ ngoại cần phải có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc. Bởi thực tế đang có một số siêu thị trên địa bàn lợi dụng sự sính ngoại, chuộng trái cây ngoại của người tiêu dùng nên dán nhãn mác ngoại, nhưng thực ra đó chỉ là giống táo, giống nho của Mỹ nhưng được trồng ở Việt Nam, hoặc là Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế cũng cho hay, các loại quả nhập ngoại đòi hỏi bảo quản khắt khe, trong khi các loại quả này bán ngoài thị trường tự do thì được phó mặc cho nắng gió mà vẫn tươi ngon, vì vậy người tiêu dùng cần nghĩ đến việc chúng được “ướp” thuốc bảo quản. Do đó, trước khi quyết định mua các loại hoa quả nhập ngoại người tiêu dùng không nên tham giá rẻ mà nên tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối ra sao để tránh “bẫy lừa” từ hàng trôi nổi trên thị trường.
Nói về giá cả, chị bán hàng rong tên Hằng ở Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội khẳng định: “Các loại hoa quả nước ngoài như ở Anh, Mỹ, Úc, New Zealand ai đặt hàng tôi lấy được hết mà giá còn rẻ hơn trong quầy tới một nửa. Táo New Zealand trong quầy bán hơn 150.000 đồng/kg, nhưng ai đặt hàng tôi chỉ lấy 85.000 - 90.000 đồng/kg. Trên sọt tôi đang còn ít, các cô lấy tôi để vốn 60.000 đồng/kg”(?). |
Theo Mai Hạnh