Dự trữ thuốc Tamiflu, thế giới ném tiền qua cửa sổ?
(Dân trí) - Thuốc Tamiflu không ngăn chặn được sự lây lan của bệnh cúm và chính phủ Anh đã lãng phí 500 triệu bảng (khoảng 16 nghìn tỷ đồng) cho việc dự trữ thuốc này để phòng ngừa dịch cúm “lợn” H1N1.
Thuốc Tamiflu, đã được dùng cho hàng chục nghìn người trong dịch cúm H1N1 tại Anh, hóa ra không có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của bệnh Photo: ALAMY
Nghiên cứu của Trường Đại học Oxford, Anh tuyên bố rằng hãng dược phẩm Roche, nhà sản xuất thuốc Tamiflu, đã “gây ấn tượng giả tạo” về hiệu quả của thuốc và cáo buộc công ty này “cẩu thả trong nghiên cứu khoa học”.
Nghiên cứu thấy rằng thuốc Tamiflu, từng được cấp cho 240.000 người ở Anh với tốc độ 1.000 người mỗi tuần, có liên quan với một số vụ tự tử của trẻ em tại Nhật và cho rằng không chỉ không làm giảm triệu chứng cúm, thuốc có thể thực sự làm bệnh nặng thêm.
Vào thời điểm dịch cúm H1N1 năm 2009, Roche tuyên bố các thử nghiệm cho thấy thuốc sẽ làm giảm số ca nhập viện và số trường hợp biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm xoang.
Dựa trên kết quả này, Bộ Y tế Anh đã mua khoảng 40 triệu liều Tamiflu trị giá 424 triệu bảng Anh và đã kê đơn thuốc cho khoảng 240.000 người, chiếm 0,5% tổng ngân sách của Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS) của Anh được dành cho Tamiflu năm 2009.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của tổ chức The Cochrane Collaboration, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tiến hành các nghiên cứu tổng kết dữ liệu y tế, đã phát hiện ra rằng Tamiflu chỉ rút ngắn các triệu chứng cúm từ 7 ngày xuống 6,3 ngày và không có bằng chứng về giảm số trường hợp nhập viện.
Tại Nhật, có 8 trẻ em dùng thuốc này đã tự tử sau khi bị những đợt bệnh loạn thần. Những tác dụng phụ khác bao gồm bệnh ở thận, buồn nôn, nôn và đau đầu. Nhiều người cho biết có cảm giác lo âu hoặc trầm cảm khi dùng thuốc.
Số liệu từ 20 thử nghiệm về Tamiflu cũng cho thấy thuốc có thể khiến cho một số người không sản sinh được đủ lượng kháng thể của chính mình để chống lại bệnh.
TS Carl Henegen, giảng viên về y học thực chứng tại Đại học Oxford, cho biết: “Thuốc này đã được cấp cho 1.000 người mỗi tuần qua đường dây nóng, nhưng nó không làm giảm triệu chứng bệnh hơn các thuốc không kê đơn khác – và bạn không được cho biết về những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Tôi sẽ không kê đơn thuốc này cho bệnh nhân của mình”.
TS Tom Jefferson, chuyên gia dịch tễ tại The Cochrane Collaboration nói thêm: “Thuốc có độc tính. Nó làm tăng nguy cơ các tai biến loạn thần, đau đầu và bệnh thận ở 1/150 người. Người dùng cũng báo cáo về tình trạng buồn nôn, nôn và co thắt đường thở. Tại Nhật đã có 8 trẻ em nhảy qua cửa sổ và tự tử”.
Các tác giả của báo cáo cho biết họ đã rất vất vả để thu thập số liệu thử nghiệm gốc từ Roche, ban đầu công ty này tuyên bố số liệu là “bí mật”.
Chính phủ Anh bắt đầu dự trữ Tamiflu năm 2006 trước những lo ngại về dịch cúm gia cầm sau khi thuốc được Viện Y tế và Thành tựu Lâm sàng Quốc gia (Anh) phê duyệt. Tamiflu không được kê đơn rộng rãi cho bệnh cúm thông thường.
Hãng Roche tuyên bố “về cơ bản không nhất trí” với những kết quả nghiên cứu mới nhất này.
TS. Daniel Thurley, giám đốc y học của công ty này tại Anh nói thêm: “Chúng tôi không đồng ý với những kết luận chung của báo cáo. Roche luôn ủng hộ những số liệu quý giá về Tamiflu và mọi quyết định của các tổ chức y tế công cộng trên toàn thế giới, bao gồm các Trung tâm Phòng chống Bệnh Mỹ và châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới.
“Phương pháp của báo cáo thường không rõ ràng, không xác đáng và các kết luận của nó có thể ảnh nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Các chất ức chế neuraminidase (như Tamiflu) là lựa chọn điều trị sống còn cho bệnh nhân cúm.
Bộ Y tế Anh cho rằng Tamiflu có “hồ sơ đã được chứng minh” về độ an toàn, chất lươgnj và hiệu quả. Nhưng cũng cho biết cơ quan này sẽ xem xét “kỹ càng” tổng kết mới nhất của Cochrane.
Cẩm Tú
Theo Telegraph