Dự thảo Luật Dược sửa đổi “rối như canh hẹ”

(Dân trí) - Không chỉ thiếu các quy định liên quan đến lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dự thảo Luật Dược sửa đổi còn buông lỏng quản lý tiền chất gây nghiện. Nếu ban hành luật nhưng quy định, chế tài không triệt để sẽ tạo ra những kẽ hở cho các hoạt động phi pháp.

Trước sự thay đổi không ngừng của thực tế ngành dược, các điều luật liên quan đang bộc lộ nhiều hạn chế, Quốc hội đã có dự thảo chi tiết về Luật dược sửa đổi. Tuy nhiên, theo ý kiến phản biện của các chuyên gia trong Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật dược sửa đổi (ngày 24/12 tại TPHCM) thì dự thảo trên chẳng những “rối như canh hẹ” mà còn tồn tại nhiều lỗ hổng, nếu ban hành và áp dung vào thực tế Luật dược sẽ mang tính chất nửa vời.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội đồng thời là Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM chỉ ra: “Trong điểm chung về phát triển công nghiệp dược, chưa nêu rõ được vấn đề hạn chế nhập khẩu bằng hàng rào kỹ thuật những loại thuốc Việt Nam đã sản xuất được. Đây là cách tốt nhất để bảo hộ sự phát triển cho các doanh nghiệp dược trong nước và tránh tình trạng có quá nhiều mặt hàng trên thị trường gây khó khăn cho công tác quản lý, khiến người dân có nguy cơ sử dụng phải những loại thuốc kém chất lượng. Cần phải quy định cụ thể trong luật để ngăn chặn những sản phẩm ngoại nhập kém chất lượng ngay từ biên giới.”

Luật thiếu chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở cho hành vi phạm pháp. Nội dung hình ảnh là cuộc thanh tra đột xuất của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại công ty Bảo Khang  bán thực phẩm chức năng rởm nhưng hô hiến thành thần dược
Luật thiếu chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở cho hành vi phạm pháp. Nội dung hình ảnh là cuộc thanh tra đột xuất của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại công ty Bảo Khang  bán thực phẩm chức năng rởm nhưng hô hiến thành thần dược

“Quy định lưu thông phân phối đối với mặt hàng dược, dự thảo luật sửa đổi cũng chưa đả động gì tới. Quy định rõ ràng về mặt lưu thông phân phối sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay như giá thuốc cho tới đấu thầu thuốc trong bệnh viện. Các công ty phân phối đang tồn tại như trăm hoa đua nở, vô hình chung cơ quan quản lý đang tạo ra sự cạnh tranh quá mức giữa các công ty. Những công ty chưa xứng đáng nhưng vẫn được cho vào thị trường để cạnh trạnh với công ty có uy tín, chất lượng thì rất dễ dẫn tới các mánh khóe tiêu cực. Việc lưu thông, phân phối mặt hàng dược cần phải được quy hoạch lại. Nếu chưa chi tiết được trong luật thì ít ra cũng phải có định hướng.”, PGS Phong Lan đề nghị.

Việt Nam sẽ tiến tới kiểm nghiệm 100% số thuốc lưu thông trên thị trường, tránh trường hợp người dân sử dụng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Kiểm nghiệm sẽ là hàng rào quan trọng giúp loại bỏ những mặt hàng không đủ tiêu chuẩn. Nhưng theo PGS Phong Lan, nếu áp dụng cho hệ thống kiểm nghiệm hiện nay là một điều không tưởng, sẽ gây ách tắc và thiếu thuốc bởi ngoài 2 viện kiểm nghiệm trung ương được đầu tư có đủ năng lực, thì 63 trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh thành đang rất manh mún. Do đó Luật dược cần phải quy định rõ ràng vấn đề quy hoạch kiểm nghiệm, tránh tình trạng tồn tại không giống ai hiện nay.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: “Dự thảo Luật dược sửa đổi thiếu hẳn một chương về việc quản lý những vấn đề đang rất nóng và gây bức xúc cho xã hội hiện nay là mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; sử dụng dược chất sai mục đích; tiền chất gây nghiện.”

Mỹ phẩm hiện nay không có một khung pháp luật nào quy định các vấn đề quản lý chuyên môn, mà chỉ quản lý như một mặt hàng thông thường, trong khi nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.

Mặt hàng thực phẩm chức năng không thể chỉ quy định trong Luật vệ sinh an toàn thực phẩm đã ra đời từ lâu, không còn bắt kịp với thực tế. Trong khi thực phẩm chức năng ở chừng mực nhất định cần phải xếp vào một chương như thuốc bổ. Thực phẩm chức năng đang tồn tại quá nhiều vấn đề về quảng cáo, giả mạo, lưu hành… Do đó, mặt hàng này cần phải được quy định cụ thể trong Luật dược.

Người dân đang chờ đợi vào sự ra đời của Luật dược sửa đổi với sự chặt chẽ, nghiêm minh
Người dân đang chờ đợi vào sự ra đời của Luật dược sửa đổi với sự chặt chẽ, nghiêm minh

Việc sử dụng dược chất sai mục đích như chất cấm trong nông nghiệp, trong chăn nuôi đang làm hại toàn xã hội. Luật Dược sửa đổi cần phải siết chặt vấn đề này từ việc nhập khẩu như thế nào, phân phối ra sao, ai được phép sử dụng. Phải có quy định rõ ràng về việc chỉ có những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm mới được mua bán các hoạt chất theo danh mục để tránh tình trạng chất cấm nhưng ai cũng mua được và mua ở đâu cũng được như hiện nay.

Liên quan đến tiền chất và chất gây nghiện, ở Luật Dược đang hiện hành có cả một chương (chương IX) quy định về vấn đề này, nhưng trong dự thảo Luật Dược sửa đổi thì gần như trống vắng. PGS Phong Lan chỉ ra: “Nếu cắt bỏ những quy định liên quan trong trường hợp đã quản lý tốt thì là lẽ đương nhiên, nhưng trong thời gian qua, việc quản lý tiền chất gây nghiện đã bộc lộ rất nhiều sơ hở. Ngay cả số lượng nhập chính ngạch sau đó đi về đâu chứng minh còn khó chứ chưa nói gì đến những lô hàng nhập lậu và việc thu gom các mặt hàng thuốc có chất gây nghiện để sản xuất ma túy đá. Đây là một vấn nạn xã hội, không quy định chặt chẽ thì thôi, tại sao lại loại bỏ?”

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan, TPHCM cho rằng: Đã là luật thì cần phải quy định càng chặt chẽ càng tốt, tránh trường hợp luật ban hành nhưng phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Vấn đề quản lý tiền chất và chất gây nghiện nhập khẩu, đơn vị hải quan chỉ căn cứ trên danh mục của cơ quan chức năng gồm Bộ Y tế, Bộ Công thương cấp, tuy nhiên khi vào nội địa chúng sử dụng vào mục đích gì là vấn đề đáng lưu tâm.

Ông Hùng cho biết thêm: “Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, Cục Hải quan TPHCM đã nhiều lần phối hợp với các đội thanh tra liên ngành thực hiện kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vận chuyển, bào chế ma túy đá, heroin từ tiền chất và chất gây nghiện. Do đó, Luật Dược sửa đổi cần phải có quy định quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng trên.”

Trước những ý kiến góp ý từ các nhà chuyên môn, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, đã tiếp thu và cho biết sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp trong Luật dược sửa đổi sắp ban hành.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm