1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đốt u phổi bằng sóng cao tần, hi vọng mới của bệnh nhân ung thư

(Dân trí) - Đốt khối u phổi ác tính bằng sóng cao tần là kỹ thuật mới trong điều trị ung thư phổi đang được thực hiện khá thành công tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong 2 năm qua với 40 bệnh nhân.

ThS-BS Đinh Trọng Toàn, Phó khoa Ung bướu BV Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết bệnh viện đã triển khai kỹ thuật đốt khối u phổi bằng sóng cao tần (RFA) cho 32 bệnh nhân ung thư phổi không thể phẫu thuật và bệnh nhân ung thư thứ phát tại cơ quan khác di căn đến phổi.

“Đa số bệnh nhân đều có đáp ứng tốt sau điều trị. Kiểm tra lại tổn thương phổi thấy không phát triển thêm, có trường hợp nhỏ đi và thậm chí mất hẳn. Qua 2 năm, đã có 40 bệnh nhân thực hiện kỹ thuật này. Phân tích số liệu 32 ca ban đầu, có 24 người đáp ứng một phần, 8 người đáp ứng hoàn toàn”, bác sĩ Toàn cho biết.

Một trường hợp điển hình là bệnh nhân T.M.T. (52 tuổi, ở Bình Định). Bệnh nhân nhập viện năm 2011 vì ung thư phổi giai đoạn cuối, không có chỉ định phẫu thuật. Ông T. đã được hóa trị 6 chu kỳ, xạ trị hạch trung thất và cuối cùng là đốt khối u bằng sóng cao tần. Hiện giờ, khối u đã biến mất hoàn hoàn và sức khỏe của ông T. đang ổn định.

Đốt u phổi bằng sóng cao tần, hi vọng mới của bệnh nhân ung thư
Khối u phổi của bệnh nhân T.M.T. qua các giai đoạn điều trị. Khi phát hiện, khối u có đường kính 7cm.

Phẫu thuật cắt bỏ u vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu cho giai đoạn sớm ung thư phổi tiên phát và ung thư phổi thứ phát (u ngoài lồng ngực di căn tới phổi). Tuy nhiên, có một số bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm không thể phẫu thuật do có chức năng phổi kém hoặc có thêm một bệnh nặng kèm theo, người cao tuổi, người từ chối phẫu thuật.

Giải pháp lựa chọn thay thế là hóa trị và xạ trị nhưng thời gian sống thêm thường thấp hơn so với cắt bỏ hoàn toàn khối u phổi. Do vậy, đốt u phổi bằng sóng cao tần là một chọn lựa thích hợp cho những bệnh nhân trên. (Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng đốt u bằng sóng cao tần không thể thay thế cho phẫu thuật được).

Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, thực hiện dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp điện toán lồng ngực, thời gian tiến hành từ 15 - 30 phút, trong lúc bệnh nhân được cho ngủ sâu, có thể xuất viện sau 24 giờ.
 
Kim đốt sóng cao tần
Kim đốt sóng cao tần

Những trường hợp không thể làm thủ thuật bao gồm người có u cách phế quản chính < 1cm; khối u kèm xẹp phổi hoặc viêm phổi tắc nghẽn; người bệnh có rối loạn đông máu không kiểm soát được.

Một số tai biến có thể gặp khi làm thủ thuật này là bị tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da, ho ra máu..., tuy vậy nhìn chung đây là một kỹ thuật tương đối an toàn. Ở BV Phạm Ngọc Thạch đã thực hiện kỹ thuật này trong 2 năm nay và triển khai cho BV Ung bướu Nghệ An.
 

Đốt u bằng sóng cao tần (Radio Frequency Ablation viết tắt RFA) là dùng nhiệt năng thông qua hệ thống tạo năng lượng nhằm gây hoại tử khối u.

Máy đốt bằng sóng cao tần dùng trong y khoa được chế tạo đặc biệt dùng để đốt những khối đặc như u gan, u phổi, u khác...; Nguyên lý của đốt u bằng sóng cao tần là dùng năng lượng điện từ gây tổn thương không thể phục hồi của tế bào khối u đích.

Dụng cụ đốt là một cây kim tạo ra sóng cao tần được đưa thẳng vào chính giữa đường kính của khối u cần đốt. Tùy thuộc vào tính chất của loại khối u mà bác sĩ sẽ chỉnh nhiệt độ nơi đốt từ 70 - 100 độ C.

Mục đích của thủ thuật này là đốt các khối u (đặc) gây hoại tử tế bào ung thư trong khi giảm thiểu tối đa tổn thương mô lành ở xung quanh.

Trên thế giới, đốt u bằng sóng cao tần đã được sử dụng để điều trị thành công các khối u đặc của phổi, gan, thận và xương.

 
Hồng Nhung