Đột quỵ đứng đầu bảng nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam
(Dân trí) - Xu hướng gánh nặng bệnh tật đang chuyển dịch từ các bệnh truyền nhiễm sang bệnh không lây nhiễm và các yếu tố liên quan đến lối sống.
Gánh nặng bệnh không lây nhiễm gia tăng
Năm 2023, trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu, các bệnh không lây nhiễm (NCDs) chiếm ưu thế. Đứng đầu là bệnh mạch máu não (tai biến mạch máu não, đột quỵ) với tỷ lệ 86/100.000 dân, tiếp theo là ung thư phổi, ung thư gan, bệnh lý tăng huyết áp và bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Đây là thông tin trong tham luận của Bộ Y tế tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội.
Theo tham luận, tai nạn giao thông, dù không thuộc nhóm bệnh lý, vẫn là một vấn đề lớn khi đứng thứ 6 với tỷ lệ 10/100.000 dân. Những dữ liệu này phản ánh xu hướng gánh nặng bệnh tật đang chuyển dịch từ các bệnh truyền nhiễm sang bệnh không lây nhiễm và các yếu tố liên quan đến lối sống.
"Chỉ khoảng 16% số trường hợp tử vong có dữ liệu rõ ràng về nguyên nhân. Đối với tử vong tại nhà, nguyên nhân thường được ghi nhận chung chung như "suy tim", "suy hô hấp" hoặc "chết già", làm giảm giá trị sử dụng của số liệu trong hoạch định chính sách", Bộ Y tế thông tin.
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tổng số người tử vong được ghi nhận tại cộng đồng và bệnh viện ở Việt Nam tăng dần qua các năm. Năm 2021, con số này là 267.000 trường hợp, đến năm 2023 đã tăng lên 391.610 trường hợp. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, số tử vong đã đạt 329.200 trường hợp .
Người Việt ngày càng kết hôn muộn
Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) thông tin, giai đoạn 2017-2020 cả nước có 2.778.532 cặp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn lần đầu là 2.479.308 cặp (89,23%).
Giai đoạn 2021-2023, số liệu tương ứng là 1.890.488/1.618.020 (85,58%). Tỷ lệ kết hôn lần đầu có xu hướng giảm, trong khi tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nam và nữ có xu hướng tăng.
"Có thể thấy rằng người dân Việt Nam có xu hướng kết hôn chậm hơn, muộn hơn", ông Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiển, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch năm 2014, ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.
Đây là chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, là một dấu mốc quan trọng trong thể chế và cơ chế thực hiện đăng ký, thống kê hộ tịch.
Việc ban hành Chương trình hành động cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Qua hơn 7 năm thực hiện chương trình hành động, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.