Đột quỵ do... thuốc cảm

Cảm cúm là bệnh bốn mùa, vì quá thường gặp nên người dân dễ có tâm lý thờ ơ với khuyến cáo điều trị. Hầu hết người bệnh khi có triệu chứng cảm cúm là tìm mua thuốc ở các nhà thuốc mà không cần đến toa bác sĩ. Đã có những tai biến xảy ra từ loại thuốc có vẻ hết sức thông dụng này.

 

Giảm triệu chứng, thêm tác dụng phụ


 

Giảm triệu chứng, thêm tác dụng phụ

 

Khoa hồi sức tích cực, bệnh viện E Trung ương vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân N.V.N., 58 tuổi, ngụ ở Hà Nội, được đưa vào viện vì đột ngột mất ý thức. Bác sĩ thăm khám thấy có dấu hiệu liệt nửa người trái, huyết áp 220/130mmHg. Kết quả chụp cắt lớp sọ não cho thấy có ổ xuất huyết lớn vùng bao trong, bán cầu đại não bên phải. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, hiện vẫn đang uống thuốc hạ huyết áp đều đặn hàng ngày. Trước đó hai ngày, bệnh nhân bị sốt, chảy nước mũi, tự mua thuốc điều trị cảm cúm uống với liều cao hơn bình thường để mong chóng khỏi bệnh và hậu quả là phải vào viện cấp cứu… Đây là một trong rất nhiều trường hợp bị tác dụng phụ của thuốc chữa cảm cúm.

 

Có thể thấy thị trường của thuốc chữa cảm cúm rất phong phú với nhiều nơi sản xuất, nhiều sản phẩm và dạng thuốc khác nhau. Phần lớn người mắc bệnh cảm cúm ở Việt Nam hiện sử dụng quá liều các loại thuốc phổ biến như: Rhumenol, Decolgen, Decolsin, Medicoldac… vì nghĩ thuốc thông thường nên không hại gì và sẽ mau chóng khỏi bệnh. Điều này dẫn đến bệnh nặng thêm, kèm theo nhiều tác dụng phụ.

 

Một số loại thuốc chữa cảm cúm có chứa các thành phần acetaminophen có tác dụng hạ sốt, giảm đau; chlorpheniramin có tác dụng chống dị ứng, làm giảm cảm giác ngứa ở mũi và giảm hắt hơi; dextromethorphan làm loãng đờm, giảm ho. Đặc biệt, phenylpropanolamine có tính chất giống như một amin giao cảm có tác dụng gây co các tiểu động mạch nhỏ ngoại biên, làm co mạch ở các cuốn mũi, từ đó làm giảm triệu chứng viêm và giảm xuất tiết, chảy nước mũi. Sự phối hợp các thành phần nói trên trong viên thuốc chống “cảm cúm” làm giảm nhanh các triệu chứng như sốt, đau đầu, hắt hơi, đặc biệt là giảm nhanh triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi khiến bệnh nhân cảm thấy rất dễ chịu sau khi uống thuốc.

 

Cảnh giác với PPA

 

Phenylpropanolamine (PPA, accutrim) là một thành phần có trong thuốc cảm cúm có tác dụng gây co các tiểu động mạch ở cuốn mũi, nhưng cũng có thể gây co mạch trên toàn cơ thể. Điều này góp phần làm tăng huyết áp của bệnh nhân. Huyết áp sẽ tăng ít hoặc không tăng nếu như thuốc được sử dụng với liều trong giới hạn cho phép. Nếu dùng quá liều có thể gây cơn tăng huyết áp đối với người không bị bệnh tăng huyết áp và kích hoạt gia tăng cơn tăng huyết áp ở bệnh nhân đang bị tăng huyết áp. Phenylpropanolamine có tác dụng thông qua việc giải phóng có chọn lọc các chất có hoạt tính giao cảm rất mạnh như adrenalin, noradrenalin, dopamin. Các chất này là thủ phạm gây co mạch làm tăng huyết áp. Ngoài ra, các chất này còn làm nhịp tim nhanh, khô miệng và niêm mạc...

 

Các xét nghiệm nhằm xác định nồng độ của thuốc trong máu bệnh nhân đã cho thấy, với liều điều trị (trung bình 25mg/viên, dùng đường uống), nồng độ thuốc trong máu dao động trong khoảng 50 – 300µg/L; khi đã bắt đầu có triệu chứng ngộ độc, nồng độ thuốc vào khoảng 300 – 3.000µg/L và nồng độ thuốc trong máu ở bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong là 3.000 – 50.000 µg/L.

 

Tại Mỹ, hàng năm ước tính có 200 – 500 trường hợp đột quỵ do phenylpropanolamine ở người sử dụng tuổi từ 18 – 49, nên các chế phẩm chứa chất này chỉ còn được sử dụng trong lĩnh vực thú y. Canada đã rút các thuốc loại này ra khỏi thị trường tháng 5.2001, Ấn Độ cũng đã chính thức cấm lưu hành các thuốc cảm cúm có chứa phenylpropanolamine vào tháng 2.2011. Hàn Quốc cấm lưu hành 167 loại thuốc có chứa phenylpropanolamine sau khi có một báo cáo về trường hợp xuất huyết não do sử dụng thuốc có chứa phenylpropanolamine.

 

Để hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn của phenylpropanolamine, cần phải chú ý một số điểm như nhà thuốc không bán thuốc khi không có đơn thuốc; người bệnh phải tuân thủ đúng theo đơn thuốc, không tự ý tăng liều, không uống thuốc theo kiểu “mách nhau”, không sử dụng một đơn thuốc cho nhiều người, nhiều lần, khi sử dụng thuốc cảm cúm thấy có các dấu hiệu bất thường như tim đập nhanh, đau đầu, mặt nóng bừng, huyết áp tăng… phải báo ngay cho bác sĩ điều trị biết.

 

Thầy thuốc phải hết sức chú ý tới tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiền sử nhạy cảm với thuốc khi kê đơn thuốc cảm cúm cho bệnh nhân. Các hãng thuốc nên cảnh báo thật rõ ràng về nguy cơ gây tăng huyết áp của phenylpropanolamine trên tờ hướng dẫn sử dụng có trong hộp thuốc.

 

Theo TS.BS Vũ Đức Định

Trưởng khoa hồi sức tích cực

Bệnh viện E Trung ương

Sài Gòn tiếp thị