1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đóng bỉm mùa hè

Dù mùa hè nắng nóng nhưng do đặc thù nên nhiều bà mẹ vẫn buộc phải cho bé sử dụng bỉm, tã giấy. Tuy nhiên, do sử dụng không đúng cách đã khiến nhiều trẻ bị viêm da.

Bỉm hay tã giấy?

 

Trên thị trường hiện có trên hàng chục nhãn hiệu tã giấy, bỉm cho trẻ em. Từ hàng cao cấp nhập từ Mỹ, Nhật, đến hàng loại trung bình nhập từ Hàn Quốc, Singapore và rất nhiều loại bỉm, tã giấy nổi tiếng được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, rất nhiều người không phân biệt được bỉm với tã giấy. Thực chất, bỉm sử dụng nhiều loại chất liệu, còn tã giấy thì 100% là giấy.

 

Về chất lượng của bỉm, ngoài độ thấm hút, chất lượng miếng dán, thiết kế có vừa vặn với bé... điều quan trọng còn là chất liệu làm nên màng đáy (mặt ngoài của bỉm). Hiện màng đáy dạng vải và màng đáy thoáng khí dạng vải (có bề mặt hơi ráp, phân biệt với màng đáy nilon thường nhẵn mịn) được các bà mẹ ưa thích hơn cả.

 

Trong khi các nhà sản xuất, phân phối đang cố gắng đưa ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng thì việc quan trọng hơn cả là cách sử dụng đúng, an toàn cho bé. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào các bà mẹ.

 

PGS.TS Trần Lan Anh, cho biết thêm, trên thị trường hiện có nhiều loại tã giấy khác nhau. Các bà mẹ có thể lựa chọn những loại phù hợp cho bé. Tuy nhiên, những loại có chất lượng tốt có thể thấm hút nhanh, dễ dàng.

 

Sao bé lại bị viêm da?

 

Bé khó chịu, hay quấy khóc khi mang tã lót là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Đó là vì bé cảm thấy khó chịu với những vùng da bị viêm.

 

Theo PGS.TS Trần Lan Anh, viêm da do tã lót là loại chàm ở vùng quấn tã. Bệnh gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như giữ ẩm ướt ở vùng bẹn, nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn, ma sát... Ngoài các yếu tố trên, viêm da tã lót thường gặp ở những trẻ em béo hay bé gái.

 

Biểu hiện của trẻ viêm da do tã lót rất dễ nhận thấy. Đó là dát đỏ ở vùng tiếp xúc với quấn tã như mông, bụng dưới, đùi trên... Da vùng quấn tã có triệu chứng cấp tính như các dát màu đỏ, bóng, đau rát, sau đó bong vảy.

 

Cách phòng ngừa

 

Cách phòng ngừa hăm tã tốt nhất là giữ cho vùng da mặc tã sạch, mát và khô. Thay tã thường xuyên cho trẻ. Nên hạn chế mặc tã để da trẻ được tiếp xúc với khí trời.

 

Khi thay tã nên lau sạch vùng bẹn và mông của trẻ bằng nước ấm. Nên để da trẻ khô hẳn trước khi mặc tã mới vào. Không nên dùng phấn thoa lên vùng hăm tã vì sẽ làm lỗ chân long bị bít lại, không thoát mồ hôi gây nên kích ứng da.

 

Hơn nữa, các bà mẹ đặc biệt chú ý không nên chọn loại tã bên trong phần tiếp xúc với da trẻ có plastic và polyester. Kích thước của tã thích hợp theo từng lứa tuổi để tã không nén lên da đùi và bụng trẻ.

 

PGS.TS Trần Lan Anh khuyên: Để chống hăm cho bé, ngoài việc chọn tã loại tốt, bạn còn phải sử dụng đúng cách. Mùa hè nên hạn chế dùng bỉm, nếu phải dùng thì nên thay thường xuyên hoặc ngay sau khi bé đại tiện.

 

Khi thay, nên rửa vùng mặc tã cho bé bằng nước ấm, tránh kỳ cọ mạnh, sau đó thấm nước, để một lát cho khô thoáng rồi mới đóng bỉm mới.

 

Theo Thu Linh

 Vietnamnet