Đối diện nỗi lo đồng huyết
Việc các bệnh viện chia sẻ thông tin về người hiến trứng để tránh tình trạng một người hiến nhiều lần là ý tưởng hay. Nhưng...
Hiến trứng: Phức tạp, nhiều rủi ro
Lý giải vì sao tinh trùng có người hiến nhưng trứng thì rất ít, hầu như là con số không, bác sĩ Lê Tấn Cảnh, Trưởng phòng Nam khoa khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, cho rằng quy trình hiến tinh trùng thực hiện tương đối đơn giản, còn hiến trứng phức tạp, mất nhiều thời gian lại tốn kém.
Bác sĩ Cảnh giải thích: Người hiến trứng phải được chích thuốc kích thích buồng trứng liên tục mỗi ngày trong thời gian khá dài, từ hai đến bốn tuần, lại còn thường xuyên siêu âm và xét nghiệm để theo dõi sự phát triển của nang noãn (trứng). Đến thời điểm thích hợp bệnh viện mới chọc hút trứng.
Theo bác sĩ Cảnh, trong quá trình thực hiện có thể xảy ra các vấn đề bất thường như buồng trứng đáp ứng kém, phải ngưng điều trị; rụng trứng sớm trước khi chọc hút trứng; chảy máu bàng quang sau khi chọc hút trứng... Thêm một rủi ro cũng dễ gặp sau khi chọc hút trứng, đó là xuất huyết nội. Để điều trị buộc phải mổ cầm máu, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Tất cả rủi ro nói trên được bệnh viện giải thích trước với người hiến trứng và làm cam kết hẳn hoi. Do sợ điều chẳng lành xảy ra với mình nên hầu như không một ai tình nguyện hiến trứng”, bác sĩ Cảnh nhận định.
Liên kết giữa các bệnh viện: Không dễ!
TP.HCM hiện có bốn bệnh viện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm bằng trứng người cho, đó là: Từ Dũ, Hùng Vương, Vạn Hạnh và Phụ sản Quốc tế Sài Gòn. Theo quy định, mỗi người chỉ được cho trứng một lần nên các bệnh viện quản lý rất chặt nhân thân người cho trứng thực hiện tại đơn vị mình. Tuy nhiên, thực tế thì một người có thể cho trứng nhiều lần ở những nơi khác nhau nên khó kiểm soát. Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Cảnh cho rằng nếu các bệnh viện cùng liên kết thì hạn chế cao khả năng một người cho trứng nhiều lần.
Đồng quan điểm với bác sĩ Cảnh, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn, nói rõ thêm: Khi một phụ nữ thực hiện thành công việc cho trứng ở bệnh viện nào thì bệnh viện đó gửi thông tin cá nhân của người cho trứng đến các bệnh viện khác. Những bệnh viện này có quyền từ chối đề nghị cho trứng của người đã từng cho trước đó.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng tạo mối liên kết giữa các bệnh viện trong việc quản lý người cho trứng không phải dễ. Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM, nhận định: “Những người cho trứng nhiều lần là có nhưng không cao. Việc các trung tâm hỗ trợ sinh sản liên kết, chia sẻ lẫn nhau thông tin người hiến trứng để tránh tình trạng một người hiến nhiều lần là ý tưởng hay, nếu thực hiện được rất tốt. Tuy nhiên, khâu phối hợp giữa các bệnh viện khá phức tạp dù kỹ thuật liên kết có vẻ đơn giản. Hệ thống cơ sở y tế chúng ta vốn làm việc độc lập, phối hợp giữa bệnh viện công với nhau đã khó. Trong khi đó, bệnh viện công và bệnh viện tư muốn liên kết phải có sự hướng dẫn của Sở Y tế, mà Sở phải được sự cho phép của Bộ Y tế. Vấn đề tưởng chừng đơn giản hóa ra phức tạp”.
Cũng theo bác sĩ Tường, thống kê của Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM cho thấy mỗi năm TP.HCM có từ 1.500 đến 2.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó khoảng 300 - 400 ca thực hiện từ trứng người cho. “Bình quân mỗi ngày chỉ có một ca thụ tinh trong ống nghiệm bằng việc xin - cho trứng. Con số này quả thực không lớn mà luật thường điều chỉnh theo số đông. Vì vậy, ý tưởng liên kết giữa các bệnh viện thì hay nhưng chưa đủ sức thuyết phục để kéo theo cả một bộ máy điều phối”, bác sĩ Tường phân tích.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Y tế - cho biết:
Về vấn đề các bệnh viện đề xuất cần có sự liên thông, liên kết giữa các bệnh viện trong quá trình quản lý những người cho trứng, ông Quang cho biết đây là vấn đề hay, sẽ xem xét trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, dù kỹ thuật liên kết đơn giản nhưng khâu phối hợp một cách đồng bộ sẽ rất khó, bởi cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện chưa đồng đều. Tốt nhất, các bệnh viện nên chủ động hỏi mục đích của người cho trứng. Bởi theo quy định, noãn hay tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người và một lần duy nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng chỉ hạn chế chứ không thể cấm hoàn toàn được bởi có hàng trăm, hàng ngàn lý do hợp pháp mà luật pháp cũng bó tay. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, bổ sung những quy định ràng buộc hơn đối với người cho trứng” - ông Quang nói.
Trước mắt, để lấp những “lỗ hổng” của Nghị định 12, theo ông Quang, Bộ Y tế sẽ yêu cầu các cơ sở y tế có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo phải chấn chỉnh nghiêm hơn trong việc kiểm tra thủ tục hồ sơ thực hiện. Phải có đủ chữ ký của người cho, người nhận và cán bộ y tế. Đồng thời thông báo cho các cơ sở y tế về các trường hợp người cho trứng để tránh tình trạng mua-bán trứng bất hợp pháp. |
Theo Trần Ngọc - Yên Thảo
Pháp luật TPHCM